Tân PGS trẻ nhất năm 2010: "Ngoài giảng dạy, tôi còn truyền đam mê"

32 tuổi, hiện là giảng viên khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS.TS Từ Diệp Công Thành đã từ chối mọi lời mời của các công ty, các trường đại học nước ngoài để quay về ngôi trường mình đã học tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ đàn em.

Vị phó giáo sư trẻ nhất trong đợt phong học hàm 2010 vừa có cuộc trao đổi với phóng viên SGTT.

Học sinh, sinh viên Việt Nam thường “kêu” chương trình học “quá tải”, trong khi bản thân anh có những kỳ học tới 14 môn, học luôn cả kỳ hè. Vậy vấn đề ở chỗ chương trình học hay ở bản thân người học?

Khách quan mà nói, chương trình hiện nay ở bậc đại học thiên về lý thuyết và chiếm khá nhiều thời gian trên lớp cũng như đòi hỏi sinh viên phải tự học ở nhà thật nhiều. Điều này đòi hỏi sinh viên cần phân bố thời gian học hợp lý và học tập nỗ lực. Tuy nhiên, hàng năm số sinh viên tốt nghiệp đúng tiến độ cũng khá cao, điều này chứng tỏ chương trình đào tạo có tính khoa học.

Tân PGS trẻ nhất năm 2010: "Ngoài giảng dạy, tôi còn truyền đam mê" - 1
PGS.TS Từ Diệp Công Thành.

Nổi tiếng là người “lướt” qua tín chỉ, động lực nào khiến anh có thể “bay” nhanh như vậy?

Khi mới bước chân vào đại học, bản thân tôi cũng học đúng số môn theo quy định. Tuy nhiên, với mong muốn giảm khối lượng học tập cho các học kỳ sau nhằm dành thời gian nhiều hơn cho các môn học khó ở chuyên ngành, tôi đăng ký học thêm một vài môn ở từng học kỳ chính và tranh thủ luôn cả học kỳ hè. Dần dần, tôi quen với việc học nặng hơn này và cơ hội tốt nghiệp sớm chính là động lực đã giúp tôi tăng tốc để tốt nghiệp sớm một năm, và là người đầu tiên hoàn thành luận án tiến sĩ tại một trường đại học ở Hàn Quốc trong hai năm.

Theo tôi, các bạn sinh viên ngoài giam mình trong vòng học hỏi cũng nên biết cân bằng. Ví dụ, phân phối hợp lý như đăng ký ít môn học hơn trong các kỳ gặp phải khó khăn kinh tế, đăng ký các môn học nặng và môn học nhẹ xen kẽ nhau, hay học phải kết hợp tham gia hoạt động ngoại khóa.

Ở thời điểm của anh, “học vượt” là chuyện hiếm. Anh làm thế nào để thuyết phục những người thầy, nhà quản lý tin vào khả năng của mình?

Không gì thuyết phục hơn là kết quả học tập. Mỗi học kỳ, tôi luôn được kết quả giỏi, nhận được học bổng khuyến khích của nhà trường và học bổng của hiệp hội học bổng Nhật – Việt. Chuyện “học vượt” lúc đó rất hi hữu, tôi phải mất cả tháng để được ban giám đốc ĐH Quốc gia xem xét. Đồng thời phải cam kết với phòng đào tạo rằng sẽ tự chịu trách nhiệm nếu có gì trục trặc trong suốt quá trình học.

Lý do nào khiến anh quyết định từ chối mức lương 22.000 USD/năm và quay trở về?

Điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, hấp dẫn về mức lương, là một cám dỗ mà ai cũng phải lựa chọn. Tuy nhiên, ngay khi còn học tiến sĩ, bản thân tôi đã ấp ủ những hướng nghiên cứu cụ thể và phục vụ trực tiếp cho xã hội. Mong muốn tốt nghiệp là quay về ngay, không chút chần chừ, để được lao vào nghiên cứu và làm ra các sản phẩm có thể phục vụ tốt cho xã hội. Hiện tôi đang tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm đi vào hướng cơ điện tử y sinh phục vụ chăm sóc y tế. Đó là các đề tài trọng điểm như thiết bị tập phục hồi chức năng cho khớp gối, thiết bị kéo cột sống lưng trong hỗ trợ điều trị đau lưng cơ năng và thoát vị đĩa đệm cấp độ nhẹ và robot di động trong chăm sóc y tế.

Một người trẻ tuổi sẽ gặp nhiều rào cản khi tham gia khoa học, đặc biệt với khi đứng trên bục giảng, tại sao anh vẫn chọn làm thầy?

Tuổi trẻ, thường đi kèm với non nớt trong nghiên cứu khoa học và rụt rè trên bục giảng, nhưng nó lại là một thử thách và vượt qua được thì mình sẽ hoàn thiện hơn. Hơn nữa, với tôi giảng dạy là cả một niềm đam mê. Giảng dạy không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức cho sinh viên mà còn là nơi để truyền nhiệt huyết, tạo niềm tin, hướng tư tưởng cho các bạn trong học tập và cuộc sống.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, anh có điều gì muốn chia sẻ với sinh viên của mình?

Tôi cũng như bất cứ thầy cô nào đều mong các bạn sinh viên học thật tốt, học sao để không phụ lòng cha mẹ đã lao động vất vả, không phụ lòng thầy cô, người luôn mang tới những kiến thức, nhiệt huyết và niềm tin yêu cuộc sống. Và điều cuối cùng là học sao để không thấy có lỗi với chính bản thân.

Anh từng nói, nếu có cơ hội là sẽ học. Điều đó có xuất phát từ tâm huyết của một người thầy?

Nếu có cơ hội là tôi sẽ học, đó là điều tôi luôn đeo đuổi. Trong nhiều năm qua, bản thân tôi luôn dành quỹ thời gian ít ỏi của mình để đi tu nghiệp ngắn hạn từ một đến ba tháng ở nước ngoài. Người thầy không chỉ giảng dạy những gì mình đã học được mà phải liên tục học tập, nâng cao trình độ không ngừng, để có thể mang đến cho các bạn sinh viên những kiến thức mới và phong phú, đó cũng chính là luồng sinh khí mới cho nghiên cứu khoa học của chính bản thân.

Theo SGTT