Tấm thiệp chúc Tết và phong bì: Thầy cô sẽ chọn gì?

(Dân trí) - “Mồng 3 Tết thầy” vừa trôi qua, nhiều câu chuyện về chúc Tết thầy cô được chia sẻ. Có hai xu hướng đi tết được các bậc phụ huynh chọn lựa: một là thiệp chúc Tết và tấm lòng, hai là quà cáp và phong bì đi kèm. Nếu đặt câu hỏi: “Món quà nào sẽ làm thầy cô vui hơn?”, tôi thiết nghĩ là không loại trừ trường hợp nào.

Một thực trạng đáng buồn của xã hội hiện đại này là nạn quà cáp. Người ta mặc nhiên ngầm công nhận với nhau rằng, phong bì và tiền bạc sẽ “bôi trơn” mọi mối quan hệ. Và muốn cô giáo quan tâm con nhiều hơn, đảm bảo điểm số cho con tốt hơn, nhiều phụ huynh lựa chọn giải pháp “phong bì”. Điều ngạc nhiên là cấp học càng nhỏ, nạn quà cáp càng rầm rộ hơn. Bởi các cháu càng bé, càng phải gửi gắm nhiều hơn. Ở mầm non, tôi thấy rất nhiều dịp gửi gắm cô giáo: ngày 8/3, 20/10, 20/11, Tết nguyên đán, thậm chí có nhiều phụ huynh còn “gửi thêm” cho cô mỗi tháng đều đều.

Một phong trào chuẩn bị quà cho cô bỗng dưng được khởi xướng từ những phụ huynh lắm tiền nhiều của. Những người chưa bao giờ nghĩ đến quà cáp thấy người ta vậy, sợ con mình thua thiệt cũng hô hào chạy theo. Vô tình tạo ra những “lối mòn” đáng tiếc trong mối quan hệ thầy - trò, giáo viên - phụ huynh. Không thể phủ nhận có những giáo viên bị chính phụ huynh “tập hư” bằng quà cáp nên mỗi khi nhận phong bì thì chẳng ngượng ngập gì. Nhưng chúng ta cần phải khẳng định rằng, đó chỉ là một vài “hạt sạn” trong hàng triệu người thầy trên khắp đất nước ta. Ngành nào cũng vậy, một vài “con sâu” vô tình làm “rầu nồi canh” để rồi người ta vơ đũa cả nắm, qui chụp tất cả giáo viên đều thích phong bì. Một nhận thức sai lầm rất tai hại!

Chúng ta khôn lớn, trưởng thành với rất nhiều người thầy. Các thầy các cô chưa bao giờ nhận của ta một món quà quí giá nào, vậy mà chúng ta vẫn được yêu thương. Và hình ảnh thầy cô trong lòng chúng ta thật đẹp, tinh khôi và vẹn nguyên lòng biết ơn, kính trọng. Nhớ ơn thầy cô mỗi dịp lễ tết, chúng ta góp tiền của tập thể mua một món quà nho nhỏ rồi kéo nhau đến nhà thầy cô, quậy tưng bừng. Có lúc lớp phát động phong trào tự làm thiệp tặng thầy cô. Những tấm thiệp có một không hai của mỗi nhóm với những lời chúc dễ thương, ấn tượng đã làm mắt cô thầy phải long lanh, rưng rưng. Những món quà mua vội ngoài cửa hàng, đâu thể sánh bằng những món quà từ tấm lòng!

Rồi con chúng ta đi học, chúng ta chưa từng biếu quà cáp đắt tiền hay những phong bì nặng kí. Vậy mà con chúng ta vẫn được yêu quí. Vẫn đủ quan tâm, nhắc nhở khi lơ là, khi biếng học. Vẫn đầy chăm sóc, mừng vui khi học trò đạt thành tích… Và mối quan hệ thầy cô - phụ huynh vẫn trọn vẹn sự kính trọng dành cho nhau. Rất nhiều người thầy dạy học bằng cái “tâm” và yêu thương học trò bằng chính tấm lòng của mình. Tiền bạc chẳng thể nhân lên hay giảm bớt sự quan tâm, săn sóc, yêu thương, dạy dỗ đó đâu.

Chính những đồng tiền sẽ làm xấu đi những mối quan hệ vốn rất trong sáng. Con mình còn theo học, mình còn chiều lụy cô, quà cáp cô. Sang năm, con lên lớp mới, lại chạy theo những cô giáo mới. Và cô nghĩ về phụ huynh, phụ huynh nghĩ về cô giáo, không chút lưu luyến, mặn mà. Quan trọng hơn, lòng con trẻ sẽ bị vẩn đục bởi chính hành động của bố mẹ. Trẻ con bắt chước rất nhanh và tâm hồn non nớt rất dễ hiểu hiểu lệch, làm sai. Đừng gieo vào lòng các con sức nặng của đồng tiền và tư tưởng ỷ lại, nhờ vả, chạy chọt.

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!