Tâm sự của một nhà giáo chọn “im lặng mà làm”

(Dân trí) - Từng không ngại lên tiếng, từng phản biện, thậm chí làm thực hiện những nghiên cứu, khảo sát về nhiều vấn đề trong giáo dục nhưng ông giáo “lắm chuyện” đến lúc nhận ra im lặng mà làm mang đến nhiều hy vọng hơn.

Thầy là giáo viên dạy Văn THPT vùng sâu vùng xa ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều người biết đến thầy không chỉ bởi tâm huyết cháy bỏng với việc truyền lửa cho trò, tự tìm tòi áp dụng nhiều phương pháp giáo dục đổi mới mà thầy còn là những “mạnh miệng” đóng góp, phản biện những vấn đề trong nghề.

Tại một hội thảo về giáo dục ở TPHCM, thầy tự đăng ký tham dự, bài báo cáo về thực trạng, chất lượng giáo viên của thầy gây ấn tượng bởi những khảo sát thực tế và những ý kiến đánh giá thẳng thật không né tránh, không ngại đụng chạm.

Thầy chỉ ra giáo viên quay cuồng với những công việc học thi, đối phó với những hàng loạt công việc như soạn đủ các loại giáo án; hết dự giờ đến thao giảng; viết sáng kiến kinh nghiệm; hồ sơ, sổ sách đủ loại như sổ hội họp, chủ nhiệm, phiếu liên lạc, sổ điểm lớn, sổ điểm cá nhân, vào điểm...

Ngoài việc dạy, họ phải kham hàng loạt việc khác như công tác chủ nhiệm, theo sát tình hình học trò... cùng đủ các loại họp hành.

Người thầy đang thiếu thời gian lẫn không gian để được vùng vẫy - ý kiến của ông giáo làng làm nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu là giáo sư, tiến sĩ phải gật gà gật gù. Người ta vỗ tay, kẻ tán thưởng như thể rằng ngày mai thôi, họ sẽ phải làm cái gì đó để thay đổi, để “cởi dây trói” cho người thầy.

Thêm nhiều lần nữa, lúc 2 - 3 giờ sáng, thầy lặn lội bắt xe đò quê lên Sài Gòn dự các hội thảo về giáo dục mong góp tiếng nói của một người “sống trong chăn, biết rõ rận”. Buổi trưa, thầy ăn vội chiếc bánh mỳ lên xe quay về cho kịp giờ lên lớp.

Rồi thầy nhận ra, mình đóng ý kiến... cho vui, cho sôi nổi chứ chẳng nhìn thấy một dấu hiệu thay đổi tích cực, dù là nhỏ. Bao nhiêu cuộc hội thảo chủ yếu về giáo dục phổ thông thầy tham dự toàn bàn về giáo viên và học trò nhưng chủ thể không được mời đến nói lên tiếng nói của mình. Toàn là các chuyên gia, nhà nghiên cứu “đóng cửa” nói chuyện với nhau. Thầy cũng đã lên tiếng về việc này, họ cũng gi nhận lắm mà nghe rồi để đó.

Ở trường, thầy không ngại phản ứng trước những điều bất công, vô lý, quan liêu... Càng “la hét”, thầy càng thấy vô ích mà còn đang tự cô lập chính mình. Nhìn vào thực tế bản thân, thầy theo nghề giáo vì yêu nghề và cả vì miếng cơm manh áo. Nếu cương, nếu la cho đến khi bị hất cẳng thì ai lo cho gia đình và rồi sẽ càng khó để thực hiện lý tưởng vì học trò của mình.

Từ một người không ngại phản biện, gần đây thầy chọn cách im lặng, tìm cho mình một lối đi khác. Thay vì la lớn, thay vì đấu tranh, thầy giữ tâm sức cho học trò. Thầy cải thiện từng giờ lên lên lớp mà ở đó thầy tha thiết học sinh đừng suy nghĩ theo kiểu đồng phục, hãy nói lên tiếng nói, suy nghĩ của mình. Thầy đề nghị các em phải suy nghĩ khác đi, phải suy nghĩ tiến bộ hơn thầy, hơn cả thế hệ đi trước.

Trên giờ lên lớp, thầy tận dụng mọi lúc để nói thêm những điều không có trong sách giáo khoa mong thay đổi tư duy của học trò. Khuôn khổ trong lớp học không cho phép “phá cách” thì thầy tổ chức những buổi sinh hoạt bên ngoài để học trò học cách phản biện, nói lên chính kiến.

Thầy gửi gắm kỳ vọng của mình vào những trang sách. Thầy lùng sục từng cuốn sách hay, tổ chức những ngày hội sách cho học sinh, rủ phụ huynh cùng tham gia để phát triển tư duy đa chiều cho học sinh. Thầy có niềm tin, sách đưa đến cho học trò những ước mơ, và những tư duy bay bổng. Đó là nền tảng để giúp các em tránh tư duy kiểu cũ, tư duy một chiều, bị trói trong quan điểm lãnh đạo, thầy cô là chân lý... như thế hệ của thầy.

Bất công không chỉ bắt nguồn từ sự lộng quyền của cái xấu mà còn được góp sức bởi sự im lặng của người tốt. Hơn ai hết, nhà giáo biết rõ những bất công, thiếu dân chủ trong môi trường giáo dục. Nhưng có những sự im lặng không phải là cam chịu, chấp nhận cái xấu mà nhà giáo chọn con đường khác.

Con đường thực tế và mang đến cho họ nhiều hy vọng hơn!

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)