Tấm lòng nhân ái của cô giáo Hòa

Gần 20 năm qua, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn tại trường, cô giáo Lê Thị Hòa, Trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) còn miệt mài, nhiệt huyết với công việc truyền con chữ cho nhiều học sinh khuyết tật và yếu kém ở địa phương. Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cô được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ.

12 năm qua, bất kể nắng hay mưa, cứ vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, em Cấn Thị Khuê lại được người thân đưa đến lớp tình thương tại chùa Hương Lan ở thôn Đông Cựu (Đông Sơn) để theo học. Từ một cô bé tật nguyền, cuộc sống gắn với chiếc xe lăn, nay Khuê đã là thiếu nữ, biết đọc thông, viết thạo, làm phép toán tốt và ước mơ trở thành cô giáo để giúp đỡ các bạn cùng chung cảnh ngộ.

Tấm lòng nhân ái của cô giáo Hòa - 1

Cô giáo Lê Thị Hòa và các em trong đội văn nghệ của Trường Tiểu học Đông Sơn.

Sự trưởng thành của Cấn Thị Khuê và hơn 60 em học sinh kém may mắn là nhờ tấm lòng bao dung, tình thương vô bờ bến của cô giáo Lê Thị Hòa. Kể về hành trình truyền con chữ cho các em học sinh khuyết tật, chị chia sẻ: “Thấy nhiều em không có khả năng đến trường để theo học ở các lớp hòa nhập, năm 2002, tôi xin phép chính quyền địa phương mở lớp dạy học cho các em học sinh khuyết tật tại nhà ở thôn Quyết Hạ, xã Đông Sơn". Sau khi lớp học mở ra, các em học sinh tìm đến học ngày một đông. Do nhà chật và điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, năm 2007, cô Hòa đề nghị được mượn nhà khách của chùa Hương Lan để tổ chức lớp học. Lớp học được khai giảng vào ngày 14-9-2007, với tổng số 16 em học sinh khuyết tật, 28 học sinh học yếu của Trường Tiểu học Đông Sơn.

Dạy học sinh bình thường đã khó, dạy học sinh khuyết tật, yếu kém càng khó khăn bội phần. Cô giáo Hòa như người mẹ hiền uốn nắn từng con chữ, chỉ bảo từng phép tính, tận tình dạy dỗ các em học sinh về cách ứng xử trong cuộc sống, về tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Sau hơn một năm được học lớp của cô Hòa ở chùa Hương Lan, 28 em học kém đã đọc thông, viết thạo; các em học sinh khuyết tật cũng có sự tiến bộ rõ rệt. Sau đó, số học sinh tăng lên 32 em, đến từ 9 xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Toàn bộ sách giáo khoa phục vụ việc học tập của các em đều được những trường học trên địa bàn hỗ trợ, còn vở, bút, cặp thì do chùa Hương Lan ủng hộ.

Tấm lòng nhân ái của cô giáo Hòa - 2

Cô giáo Lê Thị Hòa (ở giữa) và đồng nghiệp.

Được biết, đa số các em học sinh ở đây đều nhận thức chậm, nhiều trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh, tự kỷ nặng phải ngồi xe lăn, không chủ động sinh hoạt được. Có em tính tình thất thường, bướng bỉnh... Nhiều lúc khó khăn tưởng chừng như không thể duy trì được, vì các học sinh hay ốm, thường xuyên phải đi viện, sách vở thiếu, nhưng được sự hỗ trợ của các phật tử và các cô giáo tình nguyện, đặc biệt là có sự động viên của sư thầy Thích Đàm Tiền, trụ trì chùa Hương Lan, cô Hòa từng bước vượt qua khó khăn. Niềm vui nhân lên khi lớp học đã tăng lên 63 em ở các địa phương khác nhau của Hà Nội. Có những em như Nguyễn Thùy Dung ở huyện Hoài Đức; em Đỗ Văn Tuấn ở huyện Mỹ Đức, quãng đường từ nhà đến lớp hơn 20km, nhưng cứ thứ bảy và chủ nhật, các em lại được bố mẹ đưa đến lớp và kết quả học tập không ngừng tiến bộ.

Như nhiều phụ nữ khác, cô Hòa cũng có gia đình với muôn vàn công việc phải lo. Lẽ ra, hai ngày nghỉ cuối tuần phải dành cho gia đình, con cái, nhưng vì tình thương, lòng cảm mến, sự sẻ chia mà cô gác lại để đến với các em học sinh tật nguyền. Tấm lòng bao dung của cô được đền đáp khi chỉ trong thời gian ngắn, các em đều có bước tiến bộ mọi mặt, đã sống hòa đồng, không tự khép mình như trước, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Một số em đã hoàn thành việc học tập ở lớp và đi làm tự nuôi sống bản thân.

Không chỉ tâm huyết trong truyền dạy con chữ cho các em học sinh thiếu may mắn, 26 năm tham gia giảng dạy và làm Tổng phụ trách đội tại Trường Tiểu học Trường Yên và Đông Sơn của huyện Chương Mỹ, cô giáo Lê Thị Hòa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liên tục là giáo viên dạy giỏi. Với những đóng góp trên, liên tục từ năm 2008 đến 2018, cô được Trung ương Đoàn tặng bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi, tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2014, cô được tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”. Năm 2017, cô được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu TP Hà Nội. Đặc biệt, sáng 5-10, cô được vinh danh là một trong 10 "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2019.

Người dân địa phương không chỉ nể phục cô Hòa là giáo viên nhiệt huyết, sáng tạo và đầy tình thương yêu với con trẻ, mà còn là người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những gia đình khó khăn, các em học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập. Đến thời điểm hiện tại, cô đã vận động ủng hộ, quyên góp được gần 500 triệu động giúp đỡ các gia đình neo đơn, khó khăn; giúp sửa lại, xây mới 4 căn nhà trên địa bàn xã Đông Sơn.

Một trong những hoàn cảnh khó khăn được cô Hòa giúp đỡ là chị Đỗ Thị Hương, ở thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn. Cách đây 8 năm, chồng không may bị tai nạn giao thông qua đời, để lại mình chị Hương với đứa con nhỏ trong ngôi nhà cũ kỹ xuống cấp. Với nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”, cô Hòa vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ chị Hương. Năm 2015, với sự giúp đỡ nghĩa tình của cô, cộng thêm vay mượn người thân, ngôi nhà khang trang được hoàn thành trong niềm vui của gia đình và bà con lối xóm. “Năm 2015, ý định xây nhà mới là khái niệm xa vời trong tâm trí tôi, nhưng được sự động viên, giúp đỡ của cô Hòa, chính quyền địa phương và người dân thôn Đông Cựu, mẹ con tôi đã có căn nhà kiên cố để ở. Đó thực sự là giấc mơ có thật. Cảm ơn tấm lòng thơm thảo và nghĩa cử cao đẹp của cô giáo Hòa”, chị Hương chia sẻ.

Có thể nói, những việc làm của cô giáo Lê Thị Hòa thật đẹp và ý nghĩa. Dang tay giúp những người kém may mắn chính là phát huy giá trị truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Học sinh quý mến, phụ huynh tin tưởng, nhân dân nể phục, đó là phần thưởng lớn nhất dành tặng cô giáo Lê Thị Hòa.

Theo Nguyễn Chí Hòa

Quân đội Nhân dân