Tại sao người mẹ trẻ dìm chết con 33 ngày tuổi: Đừng vội quy chụp!

(Dân trí) - Cơ quan điều tra vừa xác định nghi phạm vụ án bé 33 ngày tuổi bị dìm chết trong chậu nước là người mẹ 20 tuổi. Trong khi vụ việc còn đang được tiếp tục làm rõ, việc nhấn mạnh đến những "nguy hiểm" của bệnh lý sau sinh ở người mẹ có thể gây phản ứng không hay về căng thẳng hậu sinh đẻ.

Sáng 12/6, dư luận xôn xao trước vụ việc bé trai 33 ngày tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị phát hiện đã tử vong trong chậu nhựa tắm của bé. Ngày 14/6, cơ quan điều tra đã xác định nghi phạm gây án là người mẹ 20 tuổi.

Bước đầu, người mẹ khai nhận mình là người đã sát hại con đẻ vào rạng sáng 12/6 bằng cách thả bé úp mặt vào chậu nhựa tắm. Sau đó, người mẹ lên giường đi ngủ cho đến khi ông nội cháu bé phát hiện vụ việc đau lòng.

Theo điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là do nghi phạm mắc bệnh trầm cảm nặng. Nghi phạm khai rằng thấy có cảm giác như có ai nhập vào người khiến mất kiểm soát và thực hiện hành vi giết con mình.

Người dân địa phương bàng hoàng trước vụ việc. (Ảnh: VietNamNet)
Người dân địa phương bàng hoàng trước vụ việc. (Ảnh: VietNamNet)

Hiện nay, một số ý kiến nhận định nghi phạm mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Còn theo các chuyên gia y khoa trong lĩnh vực tâm thần học, biểu hiện của nghi phạm có thể là loạn thần sau sinh. Chung quy lại, các ý kiến cho rằng hành vi bất bình thường của người mẹ liên quan đến những bệnh lý sau sinh.

Xét trong vụ việc bé trai 33 ngày tuổi bị mẹ sát hại, theo tôi thì những kết luận ban đầu về nguyên nhân dẫn đến hành vi của người mẹ cũng chỉ là những phỏng đoán. Việc xác định bệnh lý của nghi phạm phải được xem xét kỹ lưỡng qua những quan sát thực tế và trò chuyện của bác sĩ với nghi phạm.

Đến nay, nhiều chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tâm lý trị liệu, tâm thần học trên thế giới như Carl Gustav Jung (1875-1961), Sigmund Freud (1856-1935), Viktor Emil Frankl (1905-1997) đều có chung quan điểm điều trị bệnh nhân theo con người cụ thể, không diễn giải vội vàng.

Trong cuốn sách “Dẫn luận về Jung” (NXB Hồng Đức), tác giả, nhà tâm thần học Anthony Stevens cho biết: “Ông (Jung) không bao giờ quên rằng mỗi bệnh nhân đều riêng biệt, và những quy tắc tổng quát, tư tưởng giáo điều hay trình tự phổ biến không bao giờ nên được áp dụng. “Hãy học những lý thuyết của mình”, ông dạy sinh viên. “Rồi khi bệnh nhân bước vào cửa, hãy quên chúng đi”.

Carl Jung lưu ý: “Trước những con người cá nhân, chỉ sự thấu hiểu cá nhân mới có tác dụng”.

Trong cuốn sách “Dẫn luận về Freud” (NXB Hồng Đức), tác giả, nhà tâm thần học người Anh Anthony Storr nhận định: “Một trong những lỗi thường gặp nhất mà nhà trị liệu tâm lý phạm phải là diễn giải vội vàng, nhảy ngay đến những kết luận sai trên cơ sở bằng chứng chưa đầy đủ.”

Nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo Viktor Frankl - tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đi tìm lẽ sống” (NXB Trẻ) cho rằng các nhà trị liệu nên tập trung vào nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân hơn là đưa ra kết luận từ các lý thuyết trừu tượng.

Đọc các bài báo về vụ nghi án người mẹ dìm chết con 33 ngày tuổi, tôi thấy có tình tiết này rất đáng lưu tâm:

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện, tại bậc thang ở ngoài trời từ tầng 1 đến tầng 2 có dòng chữ viết bằng than, chữ in hoa “TAO SẼ GIẾT CHÁU MÀY L.” (L. là tên bố chồng nghi phạm, tức ông nội cháu bé).

Tại sao nghi phạm lại để lại dòng chữ này có nhắc đến bố chồng? Liệu vụ việc có liên quan gì đến mối quan hệ với nghi phạm và bố chồng? Liệu rằng việc giết đứa con đẻ của mình là để thể hiện một thái độ nào đó với bố chồng, tức ông nội cháu bé?

Trong bài viết trên báo An Ninh Thủ Đô, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm (Trưởng phòng Điều trị Stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) cho rằng, không loại trừ khả năng mâu thuẫn gia đình dẫn tới sự nông nổi, bột phát và “trả thù cho bõ tức” của nghi phạm, chứ không phải vấn đề thần kinh là nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng.

Còn một tình tiết nữa cũng có thể có liên quan đến sức khỏe tâm thần của nghi phạm đó là bố đẻ của nghi phạm bị bệnh thần kinh.

Trong khi chưa xác định rõ nguyên nhân người mẹ sát hại con 33 ngày tuổi, thiết nghĩ việc báo chí “ăn theo thời sự” khi đem ra luận bàn về “mối nguy” của tình trạng căng thẳng ở phụ nữ sau sinh đẻ dễ khiến người ta cảm thấy kinh sợ về khả năng xảy ra việc “mẹ giết con sơ sinh” vốn rất hi hữu này.

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Góc suy ngẫm