Tái khởi động phương thức tuyển sinh nhóm GX do ĐH Bách khoa HN chủ trì

(Dân trí) - Ngày 17/5, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chủ trì họp triển khai công tác xét tuyển đại học năm 2016 với sự tham dự của đại diện 11 trường đại học trong nhóm GX. Theo đó, tính đến thời điểm này, phương thức xét tuyển theo nhóm GX chính thức tái khởi động.


Các trường nhóm GX hội đàm phương thức tái khởi động tuyển sinh

Các trường nhóm GX hội đàm phương thức tái khởi động tuyển sinh

Xoay xung quanh vấn đề khẳng định quyết tâm của các trường khi tham gia tuyển sinh theo nhóm, PGS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội đã chia sẻ thông tin về kỹ thuật chuẩn bị cho việc xét tuyển.

Theo đó, Trường sẽ trang bị cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ công tác xét tuyển như: máy chủ mới, đường truyền mới, phần mềm xét tuyển đảm bảo về mặt kỹ thuật, nhóm kỹ thuật bao gồm đại diện của các trường thành viên tham gia.

Dự kiến, sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, các trường trong nhóm GX sẽ kiểm tra phần mềm và ngày 20/7 sẽ chuẩn bị xong tất cả các khâu kỹ thuật.

Tính đến thời điểm này, nhóm GX đã có 11 trường ĐH tham gia: ĐHBK Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải; Học viện Ngân hàng và ĐH Thăng Long; trong đó Trường ĐHBK Hà Nội đảm nhiệm vai trò chủ trì thực hiện Đề án tự chủ tuyển sinh nhóm trường.

Đề án tuyển sinh nhóm GX là cơ sở để thực hiện một phương thức xét tuyển chung dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia năm 2016 trên tinh thần tự nguyện và cam kết tham gia của một số trường đại học trong khu vực Hà Nội.

Phương thức tuyển sinh được xây dựng trên tinh thần tuân thủ chặt chẽ Quy chế tuyển sinh hiện hành và đề cao trách nhiệm của tất cả các trường đối với thí sinh và xã hội.

Theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong Phiếu ĐKXT (theo mẫu được thiết kế cho nhóm GX).

Thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 nguyện vọng trong đợt 1 và 6 nguyện vọng trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm (ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 nguyện vọng hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 nguyện vọng vào 1 trường và 2 nguyện vọng còn lại đăng ký vào 2 trường).

Ngoài ra, thí sinh có thể ĐKXT vào 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm GX. Tuy nhiên nếu thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào trường ngoài nhóm (do vượt số trường tối đa được phép ĐKXT theo quy định của Quy chế tuyển sinh).

Theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu ĐKXT, nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả thi (tính quy đổi về điểm xét) của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.

Hồng Hạnh