Sức khỏe tâm thần của học trò: “Căng” lắm rồi!

(Dân trí) - Đời sống tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, phòng khám tâm thần nhi quá tải, bác sĩ làm không xuể. Điều này đòi hỏi phải quan tâm hơn đến việc trau dồi cảm xúc, tâm hồn cho các em.

Vấn đề trên là thách thức đối với công tác tư vấn trường học được nêu tại buổi tọa đàm “Hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn trường học TPHCM” do Sở GD-ĐT TPHCM và Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TPHCM tổ chức ngày 21/1.

Học trò cần được nuôi dưỡng về tâm hồn, ý chí trước khi trở thành những siêu nhân.
Học trò cần được nuôi dưỡng về tâm hồn, ý chí trước khi trở thành những "siêu nhân".

“Căng” sức khỏe tâm thần học trò

BS Lâm Hiếu Minh (Phó trưởng khoa Phòng khám trẻ em và Bệnh viện ban ngày, BV Tâm thần TPHCM) cho hay, nhiều năm nay, số trẻ em đến khám tâm thần tại phòng không ngừng tăng. Năm 2011 có 25.000 lượt khám, 2012 có 28.000 lượt và 2013 có đến 32.000 lượt trẻ khám chữa tâm thần.

"Sức khỏe tâm thần của học sinh cấp bánh lắm rồi. Nếu cứ tình trạng này thì khoa tâm thần nhi sẽ quá tải, bác sĩ khám không xuể”, ông Minh bày tỏ lo lắng.

BS Hiếu Minh chỉ ra thực tế, nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh (HS) liên quan đến học đường. Nhưng hầu hết các em không qua phòng tư vấn học đường để được hỗ trợ nên không được phát hiện kịp thời khi vừa manh nha. Lúc đã vào viện thì phần lớn tình trạng đã nặng, ảnh hưởng đến việc học, sinh hoạt.

Học trò cần được nuôi dưỡng về tâm hồn, ý chí trước khi trở thành những siêu nhân.
TS Huỳnh Công Minh chia sẻ tại buổi tọa đàm: "Giáo dục không phải làm được mấy bài toán, đậu bao nhiêu em, cách nào để đậu mà phải nung nấu được tinh thần, ý chí cho các em". 

TS Huỳnh Công Minh, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, con người chúng ta hiện nay, đặc biệt là trẻ từ mầm non đến 17, 18 tuổi rất cần được hỗ trợ về tâm lý do mất niềm tin vào nhiều thứ.

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tinh thần học trò như môi trường sống, áp lực gia đình, nhà trường, thành tích… theo ông Huỳnh Công Minh, các em còn bị tác động do giáo dục. Rất nhiều người tốt nghiệp sư phạm ra làm giáo dục mà không biết giáo dục.

“Chúng ta dạy chỉ quan tâm HS làm mấy bài toán, bao nhiêu em đậu, làm thế nào để HS thi đậu. Đó không phải là giáo dục mà giáo dục phải nung nấu được tinh thần, ý chí cho các em. Cuộc sống không còn phải lo cái bao tử thì phải lo về tâm hồn, cảm xúc cho các em”, ông Minh nói.

Đại điện các trường học cũng thừa nhận, tâm lý HS hiện nay rất phức tạp. Các em dễ dàng lung lay trước khi nhiều giá trị sống trong gia đình, nhà trường, xã hội đang có nhiều biến chuyển hay trước những biến cố của cuộc sống. Nhiều vấn đề của HS vượt quá khả năng giải quyết của cả tư vấn viên trường học.

"Phổ cập" tư vấn học đường

TPHCM là nơi đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình tư vấn học đường nhằm hỗ trợ cho hoạt động giáo dục trong nhà trường. Nhưng đến nay, công việc này vẫn còn vướng rất nhiều khúc mắc, khó khăn.

Toàn thành phố mới chỉ có 120 người chuyên trách tư vấn học đường, còn lại đều do kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động không cao. Số lượng và chất lượng giáo viên (GV) tư vấn đều chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một điều đáng ngại nữa là lãnh đạo nhiều trường học, GV và HS chưa nhận thức đúng về vai trò của phòng tư vấn. Phòng tư vấn tâm lý học đường còn bị “kỳ thị” với suy nghĩ người nào có vấn đề mới tìm đến đây.

Sẽ còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để nâng cao chất lượng tư vấn trường học nhưng công việc trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng cần phải bình thường hóa hoạt động tư vấn, để mọi người xem đây là một hoạt động giáo dục bình thường và cần thiết. 

Nhiều học trò căng thẳng vì việc học và áp lực thành tích từ gia đình, nhà trường.
Nhiều học trò căng thẳng vì việc học và áp lực thành tích từ gia đình, nhà trường. Trong ảnh: Học sinh tại TPHCM đến trung tâm học thêm sau giờ học chính khóa

“Ở trường học chúng ta có ngày cho bộ môn Toán, Văn, Lý… thì cũng cần có ngày cho hoạt động tư vấn trường học. Phải bình thường nó đi, chưa nói đến những em có sự cố mà kể cả những em không có vấn đề cũng cần sức khỏe tâm thần”, TS Huỳnh Công Minh đề xuất.

Bà Trần Thị Thị Kim Thanh, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, phòng tư vấn tâm lý học đường phải là nơi thân thiện, gần gũi và an toàn với học trò. Nhiều trường chưa đáp ứng được điều này, có phòng tư vấn trường học nằm trong phòng sao đỏ, giám thị nên HS không dám tới.

Về góc độ quản lý ngành, Sở GD-ĐT sẽ đề xuất những điều kiện tối thiểu để các trường tuyển được tư vấn viên. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác chỉ đạo với các đơn vị giáo dục, kết hợp với Hội Khoa học Tâm lý giáo dục để đẩy mạnh đầu tư về nhân sự, chuyên môn lẫn kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động này.
 

Phải xem tư vấn như một môn học

Như các bộ môn khác, trường học nên thành lập tổ tư vấn để ban giám hiệu, giáo viên nhà trường cùng tham gia. Cần có sơ kết, tổng kết và giao ban hoạt động này. Có như thế mới bỏ được tâm lý chỉ học sinh đặt biệt, có vấn đề mới vào phòng tư vấn. Chứ bây giờ đang có tình trạng, học sinh có nhu cầu nhưng các em không tìm đến tư vấn viên. Nếu như vậy, kể cả giải quyết nguồn tư vấn viên đang thiếu cũng không hỗ hỗ trợ được các em do cung cầu đều có nhưng “lệch pha”. - Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11, TPHCM.

Hoài Nam