Bạn đọc viết:

Sữa học đường, vì sao phụ huynh chưa “mặn mà”?

(Dân trí) - Chiều chủ nhật, hai cô cháu gái là giáo viên ghé nhà tôi chơi. Suốt buổi chiều, chủ đề của các cháu chỉ xoay quanh chuyện “sữa học đường” trong trường học. Các cháu đang rất rối vì không biết làm sao để thuyết phục được phụ huynh của lớp mình chủ nhiệm tham gia 100%. Trong khi đó, Ban giám hiệu liên tục nhắc nhở các cháu vấn đề này.

Các cháu rất sợ nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì cuối năm sẽ bị trừ điểm thi đua khi xếp loại công chức.

Các cháu tôi đều là giáo viên mầm non thuộc khu vực nông thôn. Nhiều trẻ em nơi đây chưa đạt chỉ tiêu về chiều cao cũng như cân nặng. Có em còn bị liệt vào dạng thấp còi. Bản thân là những giáo viên, các cháu luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho học trò của mình.

Năm nay trường các cháu tôi bắt đầu thực hiện chương trình "Sữa học đường". Nghe được thông tin này, các cháu tôi đã từng rất mừng. Có thể nói đây là chương trình thiết thực dành cho các em học sinh. Khi uống sữa, học sinh sẽ được cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ. Từ đó mà giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Các cháu tôi cứ nghĩ, phụ huynh sẽ rất mừng nếu biết được chương trình này triển khai trong trường học.

Vậy nhưng mọi thứ trái ngược hẳn suy nghĩ của các giáo viên. Ngay lần đầu mời họp, phụ huynh đã không mặn mà lắm. Phải triệu tập lần hai, phụ huynh mới miễn cưỡng đến nghe. Có phụ huynh còn tỏ ra lo lắng khi con uống sữa học đường. Với tâm lý "ở đời không ai cho không ai cái gì". Phụ huynh chỉ sợ con phải uống các loại sữa gần hết hạn. Rồi họ còn lấy dẫn chứng mấy lần trước các công ty tặng sữa cho các cháu thì thì toàn là hàng gần hết hạn sử dụng. Do đó mà phụ huynh không muốn tham gia.

Thực ra, sữa học đường là một chương trình rất tốt cho các em. Đối tượng thụ hưởng là tất cả trẻ mầm non, mẫu giáo đang học tại các trường trong tỉnh. Số lần uống là 3 lần/tuần, mỗi lần một hộp. Trẻ 1-2 tuổi uống hộp 110 ml. Trẻ 3-5 tuổi uống hộp 180 ml. Trong khi đó mức đóng góp khá ưu đãi. Trẻ mầm non, mẫu giáo con gia đình chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ dân tộc thiểu số thì ngân sách sẽ hỗ trợ 85%, công ty cung cấp sữa hỗ trợ 15% (phụ huynh không đóng góp). Số trẻ còn lại thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 40%, công ty cung cấp sữa hỗ trợ 15%, phụ huynh đóng 45%.

Sau khi nhà trường hết lời giải thích rằng phụ huynh nên yên tâm về chất lượng sữa. Thế nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ không muốn đăng kí cho con. Nhiều lúc vận động thì phụ huynh còn nói thẳng: Vì các cô được chiết khấu hoa hồng nên các cô chẳng muốn chúng tôi tham gia thì sao. Rằng bên công ty sữa họ khôn lắm. Thôi thì con tôi, tôi sẽ biết điều gì tốt dành cho nó. Mong các cô đừng thuyết phục chúng tôi nữa.

Bản thân là những giáo viên, các cháu chỉ mong muốn phụ huynh được thông suốt vấn đề. Làm sao để các em (học trò của các cháu) được hưởng những chính sách ưu đãi tốt đẹp mà Nhà nước dành cho.

Vậy nhưng, chuyện thuyết phục được phụ huynh cho con tham gia sữa học đường trong trường học cũng không phải là điều dễ dàng gì.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!