Soi lại mình từ "cô giáo Bọ Cạp”

Có lẽ, do liên quan tới thầy cô, học hành, nên những người hăng hái tham gia bình luận “vụ bọ cạp” nhiều nhất là các bạn trẻ.

"Còm men" tỉnh táo

Giữa dòng "thác lũ" bình luận về sự việc này, nếu không tính đến những bình luận dung tục, hỗn hào, thì có thể thấy rằng chủ yếu các bạn lên án hành vi của “cô Bọ Cạp”.

Những người phản đối “cô Bọ Cạp” đề cập đến thái độ, còn những người ủng hộ thì đề cập đến khả năng dạy tốt.

Tuy nhiên, rõ ràng là phương pháp dạy học của cô giáo không liên quan tới việc này, và càng không thể dùng để biện minh. Và nhất là lời nói, hành vi trong tình huống được quay clip không nhằm mục đích để sinh viên sống tốt hơn hay học giỏi hơn.

Tôi nghĩ dù là ai, cá tính mạnh hay nhiệt tâm gì, cũng không nên hành xử như vậy và không ai đáng bị đối xử như vậy”.

Đáng sợ, nhưng cũng đáng mừng, một con người có thể "nổi tiếng" sau một đêm vì hành vi của mình, thì mỗi người sẽ phải tự học hỏi điều chỉnh mình cho chuẩn mực hơn, xã hội nhờ đó sẽ tốt hơn”… – đó là những nhận xét của một Facebooker.

Một điểm được nhiều người tán đồng, rằng đây là một bài học đắt giá về ứng xử trong xã hội, khi mà mạng xã hội nhất là khi mạng xã hội đang là một thứ quyền lực ngày càng lớn mạnh .

Làm gì khi bị chửi?

Có nhiều lời bình luận về cách hành xử của bạn trẻ đã đưa clip lên mạng. Bên cạnh đa phần ý kiến bênh vực, còn một số ý kiến như "không hợp thì tự rút, lên website của trung tâm để phản ánh, bình luận là được", hay cho rằng không thể đáp lại sự "vô học" này bằng một sự "vô học" khác...

Vậy thì, câu hỏi đặt ra: Khi không hài lòng với một sản phẩm, dịch vụ nào đó thì chúng ta nên chia sẻ để cho mọi người khác cùng biết, cùng phản biện? Hay là, im lặng và “không liên quan”, cứ mặc kệ nó diễn ra, ai vấp tiếp tự người đó chịu, như bún mắng, cháo chửi, phở chửi, xe ôm chửi trước đây...

Hành động chia sẻ sự việc và clip lần này được các bạn đồng trang lứa đánh giá tích cực ở khía cạnh: Bạn trẻ đó dám đứng lên tố cáo cái sai chứ không im lặng cam chịu bất công.

Khi thầy cô sống trong "thời công nghệ"

L.N không phải là giáo viên đầu tiên “gây hấn” với học sinh, bị quay clip đưa lên mạng.

Đầu năm 2014, một thầy giáo ở Bình Định đã phải nhận mức kỷ luật sa thải vì tát học sinh. Vụ việc giáo viên đánh học sinh ở Thái Nguyên giữa năm 2012, cô giáo chửi học sinh ở Hải Phòng năm 2010… là những vụ việc tiêu biểu khác, khi học sinh dùng các phương tiện công nghệ để ghi lại và đưa lên mạng.

Trong Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ GD-ĐT ban hành, có phần nói về quyền lợi và nghĩa vụ của giáo viên.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ của giáo viên là “Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; tạo dựng môi trường học tập và làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác, an toàn và lành mạnh”.

Và giáo viên có quyền “Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, an toàn thân thể”.

Nhiệm vụ của học sinh là “Kính trọng cha mẹ, thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện…”.

Học sinh có quyền “Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình...”.

Biết rõ quyền hạn và nhiệm vụ của mình, cả giáo viên và học sinh cùng  được hưởng lợi.

Khó có thể biện luận rằng mình đang không làm trong một ngôi trường thực sự, mà đang làm việc ở cơ sở giáo dục riêng của mình, nên có quyền hành xử như ý muốn.

Nếu không được học, được dạy, không rèn luyện để áp dụng những nguyên tắc chung về sự tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, thì không khó để dự đoán rằng những clip ứng xử theo phong cách “cung Bọ cạp” hay cung thần tiên nào khác, giữa thầy cô với đám học trò nhất quỷ nhì ma, hay giữa đám học trò với nhau, sẽ còn tiếp tục xuất hiện.

Theo Ngân Anh

Vietnamnet