Câu chuyện giáo dục:

Sợi dây phân cách!

(Dân trí) - Cậu bé nhìn mẹ đầy uất ức, lắp bắp được mấy tiếng: "Mẹ vào đó để làm gì?". Thế rồi, không muốn tiếp tục buổi tham quan, cậu bỏ về...

Chuyện xảy ra ở lễ hội hoa lan TPHCM mới đây. Đó không phải tình huống gây "giật mình", "sốc", "phẫn nộ"... mà có thể đến từ sự vô tình, vô ý.

Bắt đầu từ việc một người phụ nữ, sau khi đứng tạo dáng chụp ảnh phía ngoài các gian hàng hoa lan thì chị bất ngờ bước qua sợi dây phân cách do ban tổ chức lắp để bảo vệ hoa. 

Có thể lắm, giây phút chị bước qua "vùng cấm" một cách vô thức, còn hồn nhiên vẫy chồng chụp ảnh cho mình. Người đàn ông đang cầm điện thoại kịp nhá thêm mấy kiểu cho đến khi "Tuýt! Tuýt!", tiếng còi từ một anh bảo vệ tiến đến nhẹ nhàng vẫy tay yêu cầu chị ra ngoài. Cuống quýt, người phụ nữ cúi rạp người chui qua sợi dây để ra ngoài. 

Sợi dây phân cách! - 1

Trẻ em ở TPHCM tham gia một hoạt động cộng đồng làm sạch môi trường (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng thời gian chưa đến hai phút. Anh bảo vệ cũng đã quay đi, khách tham quan không ai kịp để ý để phê phán, chê trách... 

Khi người phụ nữ bước ra ngoài, một cậu bé tầm 12 tuổi đứng gần đó bước lại gần, giọng uất nghẹn: "Mẹ vào đó để làm gì?". Người mẹ cười gượng gạo... 

Gương mặt cậu bé thẫn thờ, ngại ngần và xấu hổ. Không muốn tiếp tục buổi tham quan, cậu nói "Con về đây" rồi quay thẳng ra cổng... Anh chị lật đật chạy theo con. 

Buổi đi chơi dịp lễ của gia đình họ kết thúc như vậy!

Trong hành xử hàng ngày, người lớn chúng ta thường sợ pháp luật, sợ đền bù, sợ tù tội, sợ dư luận, sợ cấp trên... Nhưng ít người quan tâm những hành vi của mình có thể gây tổn thương đến con trẻ như thế nào.

Ở một trường tiểu học, tôi đã từng chứng kiến một nữ sinh vùng vằng bật khóc từ chối lên xe ngồi để phản ứng việc người mẹ phi xe vào tận sân trường đón con. Trường đã có quy định phụ huynh chỉ dựng xe bên ngoài. Hay một đứa trẻ khác òa khóc nức nở khi ngồi sau xe ông bố vượt đèn đỏ. 

Hoặc trường hợp cô học trò đã đòi bỏ học khi em biết lâu nay bố mình - là một giáo viên - tiết lộ đề, nâng điểm cho những học sinh đi học thêm. 

Không hề ít những đứa trẻ đã bỏ học, dang dở con đường tương lai khi bố mẹ vướng vào tù tội như tham ô, giết người, hiếp dâm... Không chỉ vì áp lực dư luận mà hơn cả, còn là sự thất vọng, tổn thương, mất niềm tin, phẫn uất về người thân của mình trong chính các em.

Ai đó đã nói rằng, cách dạy trẻ hiệu quả nhất là... không dạy gì hết. Mà điều người lớn cần làm là tự biết răn mình, "dạy" chính mình, cân nhắc trước mỗi hành vi, lời nói của bản thân. 

Vết thương chúng ta gây ra cho người khác có thể rồi sẽ lành theo thời gian, có thể bù đắp bằng tiền bạc hoặc trả giá bằng tù tội. Nhưng tổn thương chúng ta gieo vào chính con mình sẽ rất khó để xóa nhòa. Sau những tổn thương gieo cho con, chính chúng ta còn tạo ra một môi trường sống tiêu cực cho con. 

Trẻ em hiện nay được dạy dỗ, tiếp cận với lối sống văn minh từ bé nhưng lại dễ dàng thay đổi bởi tác động của môi trường - mà môi trường ở đây chính là cư xử của người lớn. 

Bước qua sợi dây phân cách, người mẹ mất không chỉ mất một buổi vui chơi của gia đình. Khi đặt chân bước qua một ranh giới nào đó, hơn bất kỳ ai mỗi người chúng ta cần tự hỏi: Mình sẽ đẩy những đứa trẻ đi đến đâu? 

Nói như một chuyên gia giáo dục, những tiêu cực trong người trẻ hiện nay còn là sự đổ vỡ giá trị, sự mất niềm tin của các em về thế hệ đi trước, về chính ông bà, bố mẹ, thầy cô. 

Hoài Nam