Sở giáo dục TP.HCM còn cứng nhắc khi tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng

(Dân trí) - Có những việc không quá phức tạp nhưng cách giải quyết không mềm dẻo, cứng nhắc của người giải quyết làm sự việc thêm rắc rối, gây bức xúc.

Vấn đề được ông Nguyễn Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM nêu ra tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT thành phố về công tác tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng sáng 17/3.

Ông Hoan nói, tác động dư luận xã hội từ ngành giáo dục luôn nóng hơn các ngành khác. Hơn nữa, đối tượng phản ánh thông tin đến đường dây nóng của ngành chính là giáo viên, người công tác trong ngành, phụ huynh, học sinh... bởi họ mới nắm được nội tình trong nhà trường, chứ người dân thì không thể nào biết để phản ánh.


Ông Nguyễn Văn Hoan (bên phải) cho rằng ngành giáo dục TPHCM còn... nóng tính khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng

Ông Nguyễn Văn Hoan (bên phải) cho rằng ngành giáo dục TPHCM còn... nóng tính khi tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng

Chính vì thế, khi tiếp nhận các cuộc gọi qua đường dây nóng, Sở phải có có phương pháp giải quyết hợp lý, có tính thuyết phục. Cách giải quyết của mình với người dân khác có thể họ chấp nhận nhưng với giáo viên - những trí thức, học rộng, hiểu biết và được xã hội tôn vinh - họ sẽ hỏi ngược lại vì sao lại như vậy.

Nghe lãnh đạo Sở GD-ĐT báo cáo những vụ việc đã giải quyết thông quan tiếp nhận phản ánh từ đường dây dây nóng, ông Nguyễn Văn Hoan đánh giá, cách giải quyết của Sở trong nhiều vụ chưa linh hoạt, còn... “nóng tính”. Có những việc không quá phức tạp nhưng cách giải quyết không mềm dẻo, cứng nhắc của ngành giáo dục làm sự việc thêm rắc rối, gây bức xúc.

Ông Hoan đưa ra dẫn chứng như vụ việc của học sinh nhà ở quận 9 nhưng sống tại nhà người quen ở quận 4 nên theo học ở đây. Khi người quen bán nhà, chuyển chỗ ở, em muốn quay về quận 9 học thì bị làm khó, bắt phải đi lòng vòng.

Hay học sinh nộp hồ sơ vô trường trễ, hiệu trưởng không nhận, Phòng GD-ĐT không giải quyết, phải lên Sở là quá cứng nhắc, bắt học sinh đi vòng vòng. Rồi học sinh bị té xe, phụ huynh gọi lên trường, hiệu phó nói... đó là việc của dân một cách rất cứng nhắc, thiếu chia sẻ làm phụ huynh càng bức xúc.

Ông Hoan chia sẻ với lãnh đạo ngành giáo dục, khi đang bức xúc, đang nóng thì mọi người mới gọi điện đến đường dây nóng. Người tiếp nhận phải xoa dịu bức xúc cho họ trước. Việc tiếp dân phải hợp lý biết chia sẻ, tâm lý của người phản ánh thì họ mới vừa lòng để việc giải quyết đạt hiệu quả tốt.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, thời gian qua, Sở tiếp nhận và giải quyết gần 250 trường hợp phản ánh qua đường dây nóng, chưa kể giải quyết qua đơn thư. Việc bức xúc, việc chưa vừa lòng diễn ra rất nhiều, Sở gặp sự việc đều cố gắng xử lý ngay và giải quyết triệu để.

Thông tin vào đầu tháng 3/2017 từ UBND TPHCM thì Sở GD-ĐT là đơn vị đứng đầu thành phố về lượng thông tin phản ánh của qua đường dây nóng.

Hoài Nam