Bạc Liêu:

Sở GD&ĐT nhận lỗi triển khai chậm chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non

(Dân trí) - “Quyết định chính sách hỗ trợ thu hút giáo viên mầm non đã ban hành gần 4 năm, đến giờ này vẫn còn đổ lỗi đơn vị nào chưa triển khai thực hiện thì tôi cho là rất chậm. Yêu cầu Sở Giáo dục, Sở Tài chính và UBND các địa phương cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam thẳng thắn chỉ rõ.

Tại phiên chất vấn kỳ họp lần thứ 4 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX diễn ra chiều ngày 14/7, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu bị “truy vấn” về vấn đề triển khai chế độ chính sách cho giáo viên mầm non.

Đại biểu HĐND không đồng tình khi Sở GD-ĐT “đổ lỗi” cho địa phương

Đại biểu Trần Thị Huỳnh Dao (Phó Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh Bạc Liêu) đặt vấn đề, ngày 5/1/2013, UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định số 01 quy định một số chính sách thu hút đối với cán bộ quản lý và giáo viên mầm non về công tác ở địa bàn khó khăn của tỉnh. Chính sách này được thực hiện từ ngày 1/9/2013 đến hết năm 2015. Từ khi ban hành đến nay có 37 giáo viên vẫn chưa được hỗ trợ theo quy định. Đề nghị tỉnh làm rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về ai, biện pháp khắc phục như thế nào?

Trả lời đại biểu, ông Võ Thanh Giang- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, cho biết, để thực hiện việc trợ cấp theo quy định, về thủ tục, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp danh sách cán bộ quản lý, giáo viên và xác định nhu cầu kinh phí gửi về để Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét trợ cấp.

Theo ông Giang, đến nay mới chỉ có 3/6 địa phương (trừ TP Bạc Liêu) gửi danh sách đề nghị cấp kinh phí là huyện Hòa Bình, huyện Phước Long và thị xã Giá Rai. “Lý do chậm trễ xuất phát từ việc các huyện, thị xã chậm triển khai tổng hợp và đề xuất nhu cầu kinh phí. Ngoài ra, các ngành có liên quan như Sở Giáo dục, Sở Tài chính cũng chịu một phần trách nhiệm là thiếu quan tâm, đôn đốc, nhắc nhở”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu nêu nguyên nhân.

Ông Võ Thanh Giang cho biết, để chi trả, ngày 12/7/2017, theo đề xuất của Sở GD-ĐT, Sở Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương còn lại sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2017 của đơn vị quản lý chi trả trước, sau đó tổng hợp nhu cầu kinh phí chính sách này gửi về Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt giải quyết.

“Hiện nay, huyện Đông Hải đã chủ động nguồn kinh phí tại chỗ chi trả cho cán bộ quản lý, giáo viên; chỉ còn lại 2 huyện là Vĩnh Lợi và Hồng Dân. Sắp tới, Sở Giáo dục sẽ phối hợp Sở Tài chính hướng dẫn nhắc nhở các địa phương sớm tổng hợp danh sách gửi về Sở Tài chính để trình UBND tỉnh giải quyết chi trả theo quy định”, ông Giang nêu giải pháp.

Ông Võ Thanh Giang- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc chậm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non một phần do lỗi của các địa phương.
Ông Võ Thanh Giang- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc chậm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non một phần do lỗi của các địa phương.

Đại biểu Trần Thị Huỳnh Dao nhấn mạnh, qua báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh, hiện nay bậc mầm non còn thiếu 162 giáo viên và 17 cán bộ quản lý. Nói lên con số này cho thấy, chính sách thu hút đặc thù đối với giáo viên mầm non rất quan trọng nhằm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên của bậc học này.

Tuy nhiên, bà Dao bày tỏ sự chưa đồng tình khi lãnh đạo Sở GD-ĐT đưa ra lý do chậm trễ là do các huyện, thị xã chậm tổng hợp thực hiện như phần trả lời của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Thanh Giang.

Theo Phó Ban Văn hóa-Xã hội tỉnh, vừa qua, khi Ban Văn hóa-Xã hội thực hiện việc giám sát liên quan đến đội ngũ nhà giáo thì các huyện phản ánh, các địa phương đã lập danh sách và đã gửi nhưng hiện nay chưa được chi trả.

“Sở Giáo dục báo cáo hiện chỉ có 3 địa phương gửi về, nhưng trên tay tôi có 5 đơn vị đã gửi tờ trình tổng hợp danh sách này. Riêng huyện Vĩnh lợi chưa có. Huyện này chỉ có 1 giáo viên thu hút được thụ hưởng và tới thời điểm hiện tại, không biết giáo viên này còn tồn tại hay đã nghỉ do chính sách chúng ta chưa thực hiện”, bà Dao thẳng thắn.

Sở GD-ĐT xin nhận thiếu sót!

Tiếp tục “truy vấn” lãnh đạo Sở GD-ĐT, đại biểu Trần Thị Huỳnh Dao nêu vấn đề, với vai trò quản lý, Sở GD-ĐT trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này có hướng dẫn các địa phương tổng hợp danh sách báo cáo gửi về cơ quan nào hay không. Bởi qua giám sát cho thấy, mỗi địa phương gửi một nơi như huyện Hòa Bình gửi về Sở Tài chính, trong khi huyện Đông Hải gửi về Sở Nội vụ, còn huyện Hồng Dân gửi về Sở Giáo dục,… dẫn đến không tổng hợp được chứ không phải là các địa phương chậm trễ.

“Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Giáo dục có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quyết định này đã thu hút được như thế nào, để có hướng đề xuất giải pháp làm tăng nguồn lực giáo viên, cán bộ quản lý, nhằm giải quyết khó khăn cho các đơn vị vùng sâu?”, bà Dao đặt thêm trách nhiệm của ngành.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Võ Thanh Giang thừa nhận, việc thực hiện chưa kịp thời chính sách này có nguyên nhân phối hợp chưa tốt giữa các Sở, ngành khi tham mưu cho UBND tỉnh. Sự chậm trễ là có, Sở Giáo dục, Sở Tài chính thấy rõ trách nhiệm này và xin nhận thiếu sót.

"Qua thống kê, hiện các giáo viên được thụ hưởng chính sách này vẫn còn công tác đầy đủ và hoàn thành nhiệm vụ rất tốt. Tới đây, Sở Giáo dục sẽ phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét. Khi có danh sách đầy đủ, tỉnh sẽ cấp hỗ trợ kịp thời cho các giáo viên”, ông Giang khẳng định.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Lê Thị Ái Nam- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, thẳng thắn: “Quyết định 01 đã ban hành gần 4 năm, đến giờ này vẫn còn đổ qua đổ lại lỗi ở đơn vị nào, rồi tổng hợp chưa được, hay chưa triển khai thực hiện thì tôi cho là rất chậm. Yêu cầu Sở Giáo dục, Sở Tài chính và UBND các địa phương cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình”.

Chốt lại vấn đề, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo khắc phục sớm việc này, để có đội ngũ giáo viên mầm non phục vụ tốt cho bậc học này ở những vùng sâu vùng xa, bảo đảm quyền lợi cho con em và người dân.

Huỳnh Hải