Sở GD-ĐT TPHCM độc quyền hoạt động ngoại khóa?

(Dân trí) - Vấn đề gây xôn xao dư luận về ngành giáo dục TPHCM thời gian gần đây là việc Sở GD-ĐT thành phố muốn độc quyền về các hoạt động ngoại khóa. Điều này gây khó khăn và áp lực cho nhà trường và học sinh.

Muốn tự làm phải báo trước 30 ngày

Việc học bung ra ngoài khuôn khổ 4 bức tường của lớp học đang ngày càng được chú trọng ở TPHCM. Chính vì thế các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường ngày đang ngày càng chiếm vị trí trong hoạt động dạy học của các trường.

Thế nhưng, nhiều thông tin từ các trường học cho rằng Sở GD-ĐT TPHCM đang muốn “độc quyền” các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. Điều này gây áp lực và tốn kém cho trường và cả học sinh.

Đầu tháng 10/2017, trong hướng dẫn thực hiện chương trình “Tiết học ngoài nhà trường” năm học 2017-2018 gửi Phòng GD-ĐT các quận/huyện và các trường THPT, Sơ GD-ĐT TPHCM giới thiệu 3 chương trình trải nghiệm học tập ngoài trời.

Cụ thể gồm các chương trình: Tiết học ngoài nhà trường tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn với 20 chủ đề từ lớp 6 đến lớp 12 của bộ môn Sinh học; Học trải nghiệm “Nhà Kinh doanh nông nghiệp” tại Hóc Môn và Long An và học tập trải nghiệm “Nông nghiệp 4.0” tại khu Nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi.

Mức giá của các chương trình năm học này chưa được công bố nhưng theo nhiều trường, so với việc trường tự đứng ra tổ chức thì cao hơn nhiều. Và ở nhiều trường cũng ghi nhận thực tế, phụ huynh không có đủ điều kiện nên không thể cho con tham gia.

Tiết học ngoài nhà trường đang rất được chú trọng ở TPHCM
Tiết học ngoài nhà trường đang rất được chú trọng ở TPHCM

Một số ý kiến cũng cho rằng Sở muốn độc quyền về các hoạt động này, áp đặt xuống các trường. Nhất là trong văn bản hướng dẫn trên của Sở cũng nhấn mạnh: Các trường THCS, THPT và các đơn vị lữ hành muốn thực hiện riêng các chương trình Tiết học ngoài nhà trường, các hoạt động trải nghiệm có nội dung liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và có xây dựng phương án kiểm tra đánh giá phải gửi toàn bộ chương trình, kế hoạch thực hiện, nội dung hoạt động và lực lượng tham gia và bài kiểm tra đánh giá về phòng Trung học trước 30 ngày làm việc.

Không có chuyện Sở độc quyền?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, chương chương trình động trải nghiệm Sở đưa ra được phòng chuyên môn xây dựng với các chủ đề chi tiết, phương pháp tiết học ngoài nhà trường. Việc xây dựng các hoạt động ngoài trời gắn với chương trình, nội dung học vừa giúp các em hứng thú. Qua đó, bản thân các em được trải nghiệm và lĩnh hội kiến thức từ các hoạt động ngoài nhà trường.

Về ý kiến Sở độc quyền hoạt động này, ông Nguyễn Văn Hiếu trả lời, không có độc quyền ở đây, nói vậy là chưa đầy đủ. “Mỗi hoạt động trải nghiệm có nhiều phương án, hình thức, trường có thể tổ chức đưa đi, phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lữ hành. Sở không chỉ đạo doanh nghiệp nào độc quyền khai thác tiết học ngoài trời của ngành. Như thời gian qua, việc học ở rừng ngập mặn Cần Giờ, Thảo Cầm Viên… có trường kết hợp với doanh nghiệp nhưng có trường tự tổ chức đưa đi”, ông Hiếu cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng không độc quyền trong các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng không độc quyền trong các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm

Đối với việc các trường tổ chức riêng phải báo cáo Sở trước 30 ngày, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, việc tổ chức riêng là quyền của hiệu trưởng. Nhưng thực tế, nhiều hiệu trưởng cũng rất lúng túng. Rồi giáo viên quen ôm bảng dạy, hết bài, hết giờ là xong. Việc xây dựng tiết học ngoài nhà trường với nội dung sách giáo khoa, chương trình đó thì làm như thế nào, giáo viên còn rất lúng túng.

Việc xây dựng kế hoạch, ông Hiêu chia sẻ, Sở yêu cầu mấy năm đầu thực hiện, phải có thẩm định về chuyên môn. Nhất là hoạt động này vừa đổi mới việc dạy học vừa đổi mới kiểm tra, đánh giá. Việc học ngoài nhà trường thì kiểm tra, đánh giá như thế nào? Cho điểm các em thế nào, cho điểm theo nhóm ra sao… nhiều giáo viên chưa quen. Trong khi, việc kiểm tra đánh giá là việc rất quan trọng, thúc đẩy động lực, đam mê học tập của học sinh.

Trường nào chưa quen, chưa đủ khả năng Sở sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn. Còn trường nào đã quen, đã mạnh thì chủ động tự làm.

Về việc các trường phản ánh, tham gia các hoạt động trải nghiệm thông qua Sở có chi phí cao nên nhiều phụ huynh không có điều kiện tham gia, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ, hoạt động vừa đảm bảo an toàn, chất lượng học tập, trang thiết bị hiện đại… thì không thể chi phí thấp. Khi tổ chức các hoạt động này, nhà trường cần hết sức chú ý hỗ trợ các học sinh khó khăn.

Hoài Nam