Sinh viên quốc tế tại Việt Nam xoay xở thế nào trong dịch Covid-19?

(Dân trí) - Trong khi bạn bè cùng trang lứa tránh dịch trong vòng tay của gia đình thì những bạn trẻ mang quốc tịch nước ngoài tại Hà Nội xoay xở như thế nào trong mùa dịch Covid-19 tại Việt Nam?

Năm 2020 khởi đầu bằng những bất ngờ không ai mong muốn. Cách ly toàn xã hội, các doanh nghiệp, trường học, hàng quán đồng loạt đóng cửa. Covid-19 gây rối loạn nhịp sống của công dân toàn cầu, là khó khăn chung không chỉ của riêng bất kỳ cá nhân nào.

Chân ướt chân ráo đến Việt Nam đầu tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để nhập học tại Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội với tâm trạng đầy háo hức, các sinh viên quốc tế đầu tiên của năm học 2020 - 2021 không ngờ rằng điều gì đang chờ mình phía trước.

Nửa chữ bẻ đôi tiếng Việt còn chưa thạo

Mong muốn giản đơn của các sinh viên quốc tế là được đến trường, gặp gỡ, làm quen với thầy cô, bạn bè, được trải nghiệm văn hoá, lối sống, được hoà mình vào nhịp sống hối hả tại Hà Nội. Nhưng "Cô Vy" không cho phép các bạn được làm điều đó.

Sinh viên Oluwafemi David Olabrigbe, quốc tịch Nigeria, chia sẻ: "Em đến đây một mình, hoang mang và nhớ nhà. Khi em chưa kịp quen biết ai thì đã bị cách ly!".

Sinh viên quốc tế tại Việt Nam xoay xở thế nào trong dịch Covid-19? - 1
Covid-19 khiến sinh viên quốc tế không có cơ hội được gặp gỡ thầy cô, bạn bè.

"Nhà hàng, quán cafe đóng cửa, dịch vụ ngân hàng đình trệ. Em cảm thấy khó khăn khi chỉ có 1 mình và phải tự xoay xở tìm kiếm nơi mua nhu yếu phẩm. Công việc làm thêm của em cũng phải dừng lại" , sinh viên Lee San, quốc tịch Hàn Quốc, cho biết.

Trong khi đó, sinh viên Ahmad Bill Jihadi, quốc tịch Indonesia, cho rằng khó khăn lớn nhất mà người theo đạo Hồi phải đối mặt là làm thế nào để tìm kiếm nguồn thức ăn Halal và nơi để cầu nguyện.

Đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau với tín ngưỡng, tôn giáo riêng, việc thích nghi với cuộc sống mới trong tình trạng cách ly trở nên đặc biệt khó khăn. Có những sinh viên theo đạo Thiên Chúa, có những sinh viên lại theo đạo Hồi, có em cả đời chưa bao giờ đặt chân vào bếp, có những em nửa chữ tiếng Việt bẻ đôi chưa thạo.

"Em không còn cảm thấy cô đơn nữa"

Để đưa ra lựa chọn rời xa quê hương, gia đình, bạn bè, đến sinh sống và học tập tại vùng trời mới, bản thân các sinh viên quốc tế đã là những bạn trẻ vô cùng dũng cảm. Chính vì vậy, dù Covid-19 gây khó dễ đủ đường cũng chẳng thể khiến những "đứa trẻ chập chững làm người lớn" cảm thấy nản lòng.

Sinh viên Ahmad Bill Jihadi chia sẻ: "Em tìm được các hội nhóm trực tuyến của người ngoại quốc theo đạo Hồi sinh sống tại Hà Nội. Chúng em giao lưu, trò chuyện và cùng giúp đỡ nhau vượt qua thời điểm khó khăn."

Hàng ngày, sinh viên vẫn tham gia các lớp học online trên nền tảng Microsoft Office 365. Học online vẫn còn xa lạ với đa số sinh viên, nhưng thế hệ Z vốn thích ứng rất nhanh với công nghệ nên các em không gặp phải quá nhiều khó khăn.

Sinh viên Oluwafemi cho biết rằng giờ học online là thời gian em yêu thích vì em cảm thấy mình được kết nối với mọi người, được gặp gỡ thầy cô và bạn bè, để em có thể tự tin nói "Em không còn cảm thấy cô đơn nữa".

Sinh viên quốc tế tại Việt Nam xoay xở thế nào trong dịch Covid-19? - 2
Sinh viên quốc tế chia sẻ về học online mùa Covid-19

"Em nghĩ rằng học online là phương pháp tối ưu tại thời điểm này. Em có thể học dù đang ở đâu, đang làm gì. Đặc biệt, học online giúp sinh viên rèn luyện tính tự giác và kỷ luật bản thân.

Các thầy cô giới thiệu đến chúng em nhiều nền tảng và ứng dụng trong quá trình học online khiến thời gian học rất thú vị", sinh viên Satyam.

Bên cạnh việc dạy và học online, Khoa Quốc tế liên tục cập nhật và hỗ trợ sinh viên bằng các dịch vụ như thư viện online - ship sách tận nơi, tặng gói dữ liệu 4G cho sinh viên, tổ chức workshop online. Các hoạt động phong trào, cuộc thi vẫn được triển khai sôi nổi để sinh viên không bỏ lỡ bất kỳ điều gì dù không cần đến trường.

"Em tham gia các cuộc thi viết và thử thách thể thao online do Khoa Quốc tế tổ chức. Em tin rằng các hoạt động này sẽ giúp các bạn sinh viên cảm thấy thời gian cách ly không còn nhàm chán", sinh viên Lee San hào hứng chia sẻ.

Sống chậm lại để quý trọng thời gian hơn

Khi được hỏi rằng đã bao lâu rồi các em chưa dành thời gian cho bản thân, để đọc 1 cuốn sách, để học một kỹ năng mới, thì các sinh viên quốc tế đều chung một câu trả lời: "Bây giờ em có thể". Nhìn vào mặt tích cực, Covid-19 cho chúng ta cơ hội sống chậm lại, để lắng nghe chính cơ thể, tâm trí mình đang muốn điều gì, để thấu hiểu bản thân hơn.

Sinh viên quốc tế tại Việt Nam xoay xở thế nào trong dịch Covid-19? - 3
Sinh viên quốc tế lan toả thông điệp tích cực.

"Em dành thời gian để đọc sách và quan sát những điều nhỏ nhặt diễn ra xung quanh cuộc sống hàng ngày mà trước đây em bỏ lỡ. Em trò chuyện với các thành viên gia đình nhiều hơn, hiểu họ hơn. Em cũng lần đầu tiên làm việc nhà và tập tành nấu ăn", sinh viên Lee San, chia sẻ.

"Em nghĩ rằng đây là thời điểm tốt nhất để học hoặc bắt đầu một điều gì mới. Là sinh viên Công nghệ thông tin, em học thêm về lập trình Java trên mạng. Bên cạnh đó, em cũng tập thể dục tại nhà thường xuyên hơn vì bây giờ em mới thực sự hiểu rằng sức khỏe là quan trọng nhất", sinh viên Satyam cho biết.

Covid-19 đến rồi sẽ qua đi, nhưng thời gian chết một đi sẽ không thể lấy lại được. Đối mặt với đại dịch toàn cầu bằng thái độ lạc quan, các sinh viên quốc tế theo học tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN đang học cách thích nghi với điều kiện thực tế và biến những thách thức thành cơ hội. Những khuôn mặt lo lắng, buồn bã của 2 tháng trước giờ đây đã có thể nở nụ cười thật tươi.

Đặng Diệu Linh