“Sinh viên nhiều trường ĐH phải ngồi ngoài hành lang học”

(Dân trí) - Điều kiện để làm thành một đại học có chất lượng cao chỉ gồm có ba phần gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và sinh viên ưu tú. Tuy nhiên, những điều căn cơ ấy lại là chỗ các trường ĐH nước ta đang gặp khó khăn.

Đó là những chia sẻ mà Giáo sư Đặng Lương Mô - kiều bào Nhật Bản khi góp ý để nâng cao chất lượng đại học Việt Nam tại hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức vào chiều ngày 29/11.

Trường ĐH số một vẫn thiếu chuẩn

Tại hội nghị, Giáo sư Đặng Lương Mô cho biết lấy kinh nghiệm của bản thân trải qua ở 4 ĐH trong đó 2 trường ở Nhật Bản và 2 trường Việt Nam để đề xuất cách làm thế nào nâng cao chất lượng ĐH.

Giáo sư Đặng Lương Mô cho biết lấy kinh nghiệm của bản thân trải qua ở 4 ĐH trong đó 2 trường ở Nhật Bản và 2 trường Việt Nam để đề xuất cách làm thế nào nâng cao chất lượng ĐH.
Giáo sư Đặng Lương Mô cho biết lấy kinh nghiệm của bản thân trải qua ở 4 ĐH trong đó 2 trường ở Nhật Bản và 2 trường Việt Nam để đề xuất cách làm thế nào nâng cao chất lượng ĐH.

Giáo sư Mô khẳng định điều kiện cần thiết để tạo nên một trường ĐH có chất lượng giáo dục cao rất đơn giản chỉ vào 3 yếu tố: trường sở (cơ sở vật chất) - đội ngũ thầy giáo (giảng viên) - sinh viên ưu tú. “Ở yếu tố trường sở, đòi hỏi phải xây dựng nhà trường đầy đủ, đừng để sinh viên ngồi bệt dưới sàn, hay ngoài hành lang. Tôi thấy nhiều trường ĐH ở TPHCM này nhiều sinh viên phải ngồi ngoài hanh lang, hoặc ngồi ghế đá ở ngoài để học”, giáo sư Đặng Lương Mô nói.

Theo ông, mặc dù Bộ GD-ĐT cũng đưa ra các tiêu chuẩn rất rõ ràng diện tích sử dụng từ 6-10m2 cho mỗi sinh viên. Tuy nhiên nhiều trường ĐH chưa thể đạt được ngay ở trường ĐH Bách khoa TPHCM, nơi được xem là trường ĐH số 1 ở TPHCM cũng như phía nam.

Giáo sư Đặng Lương Mô - Việt kiều Nhật Bản, Giáo sư ĐH Hoise Tokyo, Cố vấn Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM. Ông là người Việt Nam đầu tiên được Chính phủ Nhật Bản trao bằng tiến sĩ khoa học công nghệ và phong hàm giáo sư. Ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 bằng phát minh sáng chế.

Xét đến yếu tố thứ hai là thầy phải đủ, thì các trường ĐH hiện cũng chưa đủ điều kiện. Theo ông Mô, dù Bộ GD-ĐT đưa ra điều kiện mở trường, riêng đối với các trường đào tạo kỹ thuật và công nghệ thì yêu cầu môt giảng viên/10-15 sinh viên và 50% giảng viên phải có bằng tiến sĩ, thạc sĩ.

“Nhưng nhìn vào ĐH Bách khoa TPHCM sẽ thấy với tổng số 930 giảng viên thì trong đó 47% là các thầy có bằng tiến sĩ và thạc sĩ. Như vậy, nếu theo quy định thì trường ĐH Bách khoa TPHCM chỉ được phép đào tạo 10.000 - 15.000 sinh viên. Tuy nhiên thực tế vào trang web của trường thông kê cộng lại sẽ thấy có tới 26.000 sinh viên. Như vậy gấp đôi cái thực sự có thể đào tạo”, ông Mô nói.

Trong khi đó, Giáo sư Đặng Lương Mô lấy trường ĐH Tokyo để so sánh, thì “ở ĐH này chỉ thầy có bằng tiến sĩ mới được giảng, có bằng thạc sĩ chỉ hướng dẫn thực tập chức không được giảng dạy. Còn tỷ lệ giảng viên của trường này chỉ là 5-7 sinh viên/giảng viên. Chính vì vậy, họ có được dàn trải các giải Nobel ở các lĩnh vực vật lý, hoá học và giải Fields ở lĩnh vực toán học. Trong khi đó, lịch sử đại học của Nhật chỉ hơn Việt Nam ta có 20 năm nhưng chúng ta chưa có giải Nobel nào hết còn ở Nhật có đến 26 giải Nobel”, ông nói.

"Chỉ cần có hai điều kiện đầu thì tự nhiên điều kiện thứ ba sẽ thỏa mãn", GS Mô khẳng định. Điều đó có nghĩa nếu đạt được điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt thì bắt buộc sinh viên sẽ tốt. Chẳng hạn, ở Nhật Bản có tổng cộng 6.697 trường cấp ba, trong đó có 4.704 trường trung học phổ thông, 1.993 trường trung học cấp ba chuyên nghiệp, với tổng số học sinh là 3.270.400 người (gồm 2.669.096 học sinh TH phổ thông và 601.334 học sinh TH chuyên nghiệp). Như vậy có thể ước tính ra được là khoảng 70% học sinh TH phổ thông học lên đại học. Trong số này, chỉ những học sinh đứng nhất nhì của các trường TH phổ thông mới dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐH Tokyo mà thôi.

Hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM” thu hút đông đảo chuyên gia, trí thức kiều bào tham dự
Hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM” thu hút đông đảo chuyên gia, trí thức kiều bào tham dự

Đổi mới chương trình cho phù hợp xu hướng của thời đại

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - kiều bào Mỹ, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng nhận định chương trình đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật của nước ta quá lạc hậu so với các nước tiên tiến.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống góp ý giáo dục ĐH Việt Nam cần thay đổi chương trình cho phù hợp với thời đại
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống góp ý giáo dục ĐH Việt Nam cần thay đổi chương trình cho phù hợp với thời đại

Ông Tống cho rằng, để giải quyết vấn đề việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học phù hợp với ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo không nên hướng vào từng chuyên ngành quá hẹp mà phải theo mô hình ngành rộng mà sinh viên tốt nghiệp có khả năng tự đào tạo để chuyên môn hóa thêm dần trong quá trình làm việc.

Một xu hướng đã hình thành từ lâu là nhiều sinh viên học thêm bằng hai để mở rộng năng lực chuyên môn giữa hai ngành và tăng cơ hội tìm việc làm phù hợp với hai ngành đào tạo. Sinh viên giỏi có thể học hai bằng cùng một lúc bằng cách theo học chương trình bằng đôi (dual degree) để rút ngắn thời gian và giảm chi phí học tập.

“Cần xây dựng các chương trình bằng đôi giữa các ngành khoa học kỹ thuật và các ngành kinh tế để đào tạo nhân lực trình độ cao cho những vùng giao giữa các ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM và cả nước”, ông Tống kiến nghị.

Các đại biểu tham gia nêu ý kiến góp ý tại hội thảo
Các đại biểu tham gia nêu ý kiến góp ý tại hội thảo

Tương tự, Tiến sĩ Bùi Văn Minh - Việt kiều Pháp, nguyên giảng viên cao học chuyên ngành Công nghệ thông tin: cho rằng giáo dục nước ta có một số ưu điểm như học sinh, sinh viên rất chăm học, chịu khó nhưng vẫn có những khuyết điểm phải khắc phục. Khuyết điểm chính là các ĐH gần như thiếu phòng ốc, phòng thí nghiệm, phòng thực nghiệm. Sinh viên thiếu tự tin, thiếu sự sáng tạo mà lo tập trung vào chuyện lấy bằng cấp, trong một số chương trình đòi hỏi sự tự lập, sáng tạo thì sinh viên chúng ta thiếu hẵn so với sinh viên ngoại quốc.

Đóng góp để nâng chất lượng giáo dục ĐH, ông Minh kiến nghị cần cải tiến chương trình sao cho thích hợp với điều kiện kinh tế, nhu cầu của đất nước. Tuy nhiên, không thể mang chương trình của các nước tiên tiến ứng dụng trực tiếp vào nước ta vì điều kiện kinh tế, xã hội đòi hỏi những vẫn đề cụ thể trong mọi ngành. Để phát triển giáo dục, phải đào tạo cho sinh viên hiểu rõ mục đích học để làm chứ không phải được vị trí cao trong xã hội.

Được biết, hội nghị này có hơn 80 đại biểu đến từ các sở ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ và các chuyên gia trí thức doanh nhân kiều bào tham dự và hiến kế các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đại học Việt Nam.

Lê Phương