Sinh viên lao vào làm thêm, “quên” cả ra trường

(Dân trí) - Lao vào làm thêm, kiếm tiền, nhiều sinh viên quên mất nhiệm vụ chính của mình là hoàn thành nhiệm vụ học ở giảng đường, thậm chí có người mất luôn cơ hội tốt nghiệp.

"Hội sinh viên yêu trường"
 
Học ngành Báo chí, nghe theo đàn anh, nghề báo chỉ cần kinh nghiệm, cần dấn thân, bài vở... nên từ năm 2, L.X.D. (26 tuổi, hiện vẫn đang là SV Trường ĐH KHXH&NV, TPHCM), đã lao vào đi làm thêm, viết bài.
 
Sau thời gian lăn xả, bạn bè bắt đầu ra trường còn nhiều bỡ ngỡ thì D. trở thành cộng tác viên cho một vài tờ báo, đã có mối quan hệ trong nghề khá rộng, có kinh nghiệm, kỹ năng làm nghề, có thu nhập... 
 
Sinh viên lao vào làm thêm, “quên” cả ra trường - 1

Sinh viên rất quan tâm đến việc đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, kiếm tiền (ảnh minh họa)

Vài năm sau, bạn bè cùng khóa dần dần tìm được công việc, chỗ đứng.  Mọi người không khỏi thắc mắc là D. vẫn mãi là chân cộng tác viên lon ton, chưa chịu tập trung phát triển một nơi cố định nào. 
 
Sau đó, mọi người mới té ngửa, D. là thành viên trong "hội SV yêu trường", nhiều năm rồi không thể tốt nghiệp vì nợ môn trả đi trả lại chưa nổi. Cho dù cậu lăn xả tới đâu, kinh nghiệm thế nào thì để hành nghề một cách chính thức và nghiêm túc, cậu vẫn phải có bằng tốt nghiệp. 
 
D. kể, không chỉ cậu, mà nhiều SV ở nhiều ngành khác cũng thuộc "hội SV yêu trường". Chủ yếu các bạn lao vào đi làm thêm kiếm tiền, lấy kinh nghiệm nên bê trễ việc học nên được trường "giữ lại". Các bạn rơi vào cảnh "đi nhanh về chậm".
 
Hầu hết, ở các trường, các ngành đều có tình trạng SV mải mê làm thêm, không qua nổi môn thi nên mãi không ra được trường. Cũng không hiếm trường hợp, mải đi làm, khi nhớ quay lại thì đã hết thời gian tối đa để hoàn thành khóa học.
 
Theo học một ngành kỹ thuật ở TPHCM, L.Đ. bắt đầu đi làm thêm từ cuối năm thứ nhất. Có thu nhập, có kinh nghiệm..., Đ. mải miết quên mất rằng mình còn phải tốt nghiệp khóa học. Khi bạn bè đã ra trường, đi làm, Đ. mới nhớ mình vẫn còn là SV.
 
Đ. quay lại nhưng thi mãi không qua nổi môn tiếng Anh và để lỡ mất thời gian tối đa để hoàn thành khóa học và "rớt" xuống hệ Vừa học vừa làm. Việc không thể tốt nghiệp đại học chính quy là một rào cản đối với Đ. 
 
Làm thêm + không ra được trường: Điểm trừ!
 
Tập trung vào việc học hay dốc sức đi làm thêm lấy kinh nghiệm là quan tâm được nhiều SV đặt ra tại tọa đàm ra mắt cuốn sách "Bạn đang nghịch gì với đời mình?" được tổ chức tại TPHCM mới đây.
 
ThS Nguyễn Thanh Thủy, quản lý tuyển dụng ManpowerGroup Việt Nam cho hay, bà gặp nhiều SV đi thực tập trong thời gian nghỉ hè, làm việc rất hiệu quả. Nhưng vào năm học, các bạn làm việc rất tụt dốc, không hiệu quả và vì đi làm nên việc học cũng sơ sài, lơ mơ. 
 
Bà đã phải khuyên các bạn, hãy tập trung cho việc học, đừng để dang dở cả hai. Dù muốn hay không thì khi đang là SV, trước nhất cần là tốt nhiệm vụ của mình là việc học. 
 
Sinh viên lao vào làm thêm, “quên” cả ra trường - 2

Sinh viên năm cuối ở TPHCM trao đổi với nhà tuyển dụng (Ảnh minh họa)

Đối với việc tích lũy kinh nghiệm, theo bà Thủy, kinh nghiệm không nhất thiết cứ phải đi làm thêm mới có. Các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm ngay khi đang học, khi nghiên cứu, hoạt động xã hội qua làm việc nhóm, tương tác với người khác, thể hiện trách nhiệm của mình trong từng công việc... 
 
TS Dương Ngọc Dũng, ĐH KHXH&NV TPHCM cho hay câu hỏi đi làm thêm hay tập trung học, nghiên cứu thì mỗi người cần hiểu chính bản thân mình nhưng cũng phải xác định làm việc gì đi nữa, cũng buộc phải thật sự chuyên tâm, phải đạt hiệu quả. 
 
Ông Dũng cho hay, đi làm thêm dẫn đến hậu quả không thể ra trường là điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng. Dù hiện nhiều nơi không xem trọng bằng cấp nhưng một SV học hành nghiêm túc, đầy đủ, có một tấm bằng đẹp sẽ là điểm cộng vì nó thể hiện sự nghiêm túc của bạn với nhiệm vụ của mình.
 
TS Nguyễn Ngọc Dũng đưa ra lời khuyên, SV cần nhất là hãy làm tốt nhiệm vụ học tập của mình, học tập, nghiên cứu một cách hiệu quả. Học không phải để nhồi nhét kiến thức mà học để nhận diện khả năng của bản thân. Học nghiêm túc xong, bạn sẽ có những trải nghiệm làm việc nghiêm túc, hơn là ôm đồm cả hai rồi dang dở thì chẳng hay ho gì. 
 
Hoài Nam