Sinh viên không có nghĩa là thấp cổ bé họng

Tôi tình cờ phát hiện ra, tôi đã bị chính "trưởng phòng" ở công ty mình dự tuyển trước đây lợi dụng và "cướp trắng" công sức. Và tôi quyết định, phải làm rõ để đòi quyền lợi chính đáng của mình…

Sinh viên không có nghĩa là thấp cổ bé họng - 1
Sinh viên có giá trị lao động sẵn có mà nếu thiếu tự tin, giá trị đó có thể sẽ bị những kẻ xấu lợi dụng. (Ảnh minh họa)
Part-time "lý tưởng"

Tôi học đồ họa - một ngành luôn yêu cầu sự tự học hỏi và làm mới chính mình. Vậy nên, ngay từ những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Hè năm thứ nhất, tôi đã lên kế hoạch tìm kiếm việc part-time.

Tôi lang thang trên các trang tuyển dụng online để tìm. Mục đích chính là được thực hành những kiến thức đã được học trên lớp và có cơ hội thử sức mình nên công ty TNHH B.D. là công ty tôi hy vọng được nhận vào nhiều nhất. Bởi đó là một công ty thiết kế đồ họa khá có tiếng, môi trường làm việc chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao.

Theo lời giới thiệu trên mạng thì họ đang cần tuyển nhân lực cho một dự án mới, nên họ sẽ "ưu tiên" sinh viên hoặc những người mới ra trường. Họ chỉ cần những người "nhiệt huyết, sáng tạo" chứ không coi trọng bằng cấp, kinh nghiệm. Quả là lý tưởng! Tôi gửi CV (hồ sơ) vào địa chỉ mail đã đăng trên mạng, được chú thích là trưởng phòng thiết kế công ty và hồi hộp chờ đợi.

Ba ngày sau khi CV được gửi đi, tôi nhận được email chúc mừng lọt vào vòng sau. Đề bài cho vòng này là: trong vòng 3 ngày, tôi phải thiết kế brochure (cuốn cẩm nang bỏ túi hay catalogue nhỏ gọn, dùng để giới thiệu doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của công ty tới khách hàng một cách thu hút, đa dạng và hiệu quả). Đó sẽ là cơ sở để công ty có thể đưa ra quyết định tuyển dụng với các ứng viên. Đồng thời, thông qua sản phẩm này, nếu ai có triển vọng sẽ được công ty bồi dưỡng và hợp tác lâu dài. Bài dự thi lại tiếp tục được gửi đến địa chỉ mail kia. Nếu được nhận, tôi sẽ đến công ty để thỏa thuận trực tiếp về lương thưởng và điều kiện làm việc.

Lời từ chối lịch sự

Nhận được email, tôi hăng hái bắt tay ngay vào làm bài thi. Tôi tham khảo các tài liệu và hướng dẫn trên mạng để thiết kế được một brochure thành công. Sau một đêm thức trắng, tôi hoàn thành bài thi, nhưng chưa gửi đi ngay. Tôi mang đến cho vài người bạn của mình và nhờ họ góp ý thêm. Sau đó, tôi lại về nhà chỉnh sửa để có tác phẩm tốt nhất. Thế nên, khi gửi đi, tôi đã rất tự tin.

Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được email phản hồi. Nhưng không như tôi mong đợi, email đó có nội dung: "Công ty rất cám ơn bạn đã tham dự đợt tuyển nhân viên thiết kế quảng cáo lần này. Tuy nhiên chúng tôi rất tiếc phải thông báo bạn đã không được chọn. Brochure của bạn chưa có sự mới mẻ, đột phá. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những dự án mới, hy vọng khi đó chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác làm việc cùng nhau".

Tôi khá sốc vì đã hy vọng rất nhiều. Nhưng rồi, lại tự an ủi mình còn "non" nên phải cố gắng nhiều. Hơn nữa, tuy công ty đã từ chối nhưng trong tương lai gần, tôi vẫn có cơ hội được làm việc tại đó.

Tôi gặp sản phẩm của mình, dưới tên người khác

Khoảng hơn một tuần sau đó, một trong những công ty quảng cáo mà tôi cũng gửi CV dự tuyển nhận tôi vào làm. Tuy công ty đó không lớn như B.D., nhưng môi trường làm việc khá thoải mái, và nhất là tôi được thỏa sức sáng tạo và phát huy tối đa khả năng của mình.

Ba tháng sau khi tôi vào làm việc, công ty chúng tôi ký hợp đồng làm brochure, letterhead, leaflet… với khách hàng. Trong buổi gặp gỡ để bàn cụ thể hơn về sản phẩm, tôi được đi cùng trưởng phòng để học hỏi thêm. Để làm rõ hơn yêu cầu của mình, họ lấy ra brochure của công ty B.D. để minh họa. Tôi ngỡ ngàng. Đó là tác phẩm mà tôi đã gửi khi ứng tuyển vào công ty đó mà!

Khách hàng cho biết "đó là brochure do chính trưởng phòng của công ty B.D. thiết kế". Vậy là tôi đã hiểu. Tác phẩm của tôi đã bị anh trưởng phòng thiết kế công ty B.D. "cướp trắng" và nhận đó là của mình. Phải chăng, anh ta đang muốn lợi dụng sự nhiệt tình và cả "ngây thơ" của những ứng viên như tôi để hoàn thiện bộ brochure cho công ty mình mà không cần phải trả một xu nào?

Hành trình đòi lại công bằng

Tôi có nên làm rõ vấn đề này với công ty B.D. không, hay cho qua và nhớ đó là "bài học xương máu"? Tôi đã suy nghĩ và cân nhắc mấy ngày liền, vì lúc đó tôi cũng chưa biết làm thế nào để chứng minh brochure đó là thiết kế của mình. Nhưng rồi, tôi nghĩ, nếu mình cho qua dễ dàng như thế thì liệu sẽ có bao nhiêu người nữa sẽ bị lợi dụng? Và tôi quyết định, mình cần phải "lên tiếng".

Thật may, tôi chưa xóa file có chứa brochure ấy. Tôi cũng cẩn thận check lại trong địa chỉ mail của mình và tìm thấy trong phần sent những e-mail mà tôi đã gửi cho trưởng phòng thiết kế của công ty B.D. trước đây. Để có sức thuyết phục hơn, tôi đã nhờ những người bạn trước đây đã góp ý cho mình làm chứng.

Sau khi thu thập đủ bằng chứng, tôi mang các bản sao đến gặp giám đốc công ty B.D. Sau khi xem xét tất cả, ông ấy bảo tôi để lại bằng chứng, kèm theo liên lạc, ông ấy sẽ làm rõ sự việc này. Nếu đúng như những gì tôi nói, công ty sẽ xử lý thỏa đáng.

Trắng đen rõ ràng, tôi nhận ra giá trị của mình

Vào đầu giờ chiều một tuần sau đó, tôi nhận được điện thoại hẹn gặp từ công ty B.D. Họ thừa nhận, trưởng phòng thiết kế đã làm sai và xin được bồi thường. Tôi sẽ được nhận tiền cho thiết kế của mình, cùng với số tiền bồi thường vì sai sót của công ty. Đồng thời, công ty B.D cũng mời tôi quay lại  làm việc cho họ. Nhưng tôi đã từ chối. Tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc ở công ty hiện tại hơn.

Về phần trưởng phòng thiết kế công ty B.D., sau đó đã bị cho thôi việc. Tuy nhiên, để giữ uy tín và hình ảnh cho công ty B.D., sự việc này chỉ giải quyết kín chứ không công bố rộng ra ngoài.

Kết

Điều lớn nhất mà tôi đạt được qua sự việc này, không phải là số tiền bản quyền và bồi thường họ đã trả cho tôi mà chính là những bài học, kinh nghiệm về việc "bảo vệ chất xám" của mình. Là sinh viên, chúng ta học hỏi, cầu tiến để hoàn thiện mình, nhưng bản thân chúng ta đã có giá trị lao động sẵn có mà nếu thiếu tự tin, giá trị đó có thể sẽ bị những kẻ xấu lợi dụng.
 
Đức Long
Theo Sinh Viên Việt Nam