Sinh viên ít được rèn luyện kỹ năng ứng dụng ngoại ngữ

(Dân trí) - “Trong khi ngoại ngữ là bộ môn kỹ năng, càng rèn luyện ứng dụng bao nhiêu thì càng tiến bộ bấy nhiêu, thì trong các giờ học trên giảng đường, sinh viên chỉ mới có khoảng 10% thời lượng được rèn luyện các kỹ năng nghe, nói”

TS. Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 phát biểu về thực trạng dạy và học ngoại ngữ lâu nay tại hội thảo “Các giải pháp tích hợp công nghệ mới trong giảng dạy - học tập ngoại ngữ năm 2013”. Hội thảo do ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng phối hợp Công ty E&D Việt Nam tổ chức ra tại Đà Nẵng ngày 11/4.

Sinh viên ít được rèn luyện kỹ năng ứng dụng ngoại ngữ
Hội thảo "Giải pháp tích hợp công nghệ mới trong dạy và học ngoại ngữ" vừa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 11/4.

TS. Nguyễn Ngọc Hùng dẫn câu chuyện từ năm 2006, sau thành công của Hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội, thì có một “làn sóng” các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ theo nhau đầu tư hàng tỷ USD, phát triển công nghệ cao tại Việt Nam. Lúc này, nguồn nhân lực trong nước được đánh giá cao về trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của ta lại mắc một điểm yếu là kỹ năng ngoại ngữ.

So với hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước là thủ đô Hà Nội và TPHCM, năng lực ngoại ngữ đầu ra của sinh viên ở khu vực miền Trung còn thấp. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như sinh viên chưa có ý thức tự học và nhận thứ học tập suốt đời, sĩ số lớp học cao, việc dạy học ngoại ngữ còn chủ yếu là để vượt qua các kỳ thi, chứ chưa hướng tới mục tiêu học để nâng cao năng lực ứng dụng ngoại ngữ.

Trong khi ngoại ngữ là bộ môn kỹ năng, càng rèn luyện ứng dụng bao nhiêu thì càng tiến bộ bấy nhiêu, thì trong các giờ học trên giảng đường, sinh viên chỉ mới có khoảng 10% thời lượng được rèn luyện các kỹ năng Nghe, Nói

Sinh viên ít được rèn luyện kỹ năng ứng dụng ngoại ngữ
Theo TS. Nguyễn Ngọc Hùng, ngoại ngữ là môn học kỹ năng, càng rèn luyện nhiều bao nhiêu càng tiến bộ bấy nhiêu.

Việc thiếu kỹ năng ngoại ngữ không chỉ gây trở ngại trong giao tiếp công việc, mà còn làm chậm việc cập nhất các kiến thức mới trong các lĩnh vực chuyên môn của sinh viên. Nhiều sách, giáo trình nước ngoài rất hay, và liên tục cập nhật, bổ sung kiến thức, nhưng quyển này chưa kịp dịch ra tiếng Việt thì đã có quyển mới. Những ai có đủ kỹ năng ngoại ngữ để cập nhật ngay những kiến thức mới của thế giới là một lợi thế rất lớn cho việc học, và cập nhật kiến thức trong lĩnh vực chuyên môn.

Để nâng cao năng lực ngoại ngữ trong điều kiện nay, có một thuận lợi là việc phát triển công nghệ cao cùng với các phần mềm ứng dụng rất hữu ích cho việc dạy và học ngoại ngữ. Sinh viên có thể tự học và có sự hướng dẫn của giảng viên qua mạng với các phần mềm ứng dụng, cùng với các giải pháp tích hợp công nghệ cao trong dạy và học ngoại ngữ như việc ứng dụng phần mềm tiếng Anh DynEd mà ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đang tiến hành đưa vào đào tạo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của E&D Việt Nam cũng có nhiều bài tham luận giới thiệu về những công nghệ được cập nhật liên tục hỗ trợ cho việc dạy và học ngoại ngữ hiệu quả hơn, nâng chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ của sinh viên theo yêu cầu mới của Bộ GD-ĐT, cũng là yêu cầu của xã hội. Cụ thể hướng dẫn cách sử dụng, ứng dụng phần mềm DynEd. Tại ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng trong thời gian qua, cũng đã có nhiều khóa tập huấn cho giáo viên giảng dạy tiếng Anh ở Đà Nẵng nói riêng và toàn khu vực miền Trung nói chung.

PGS.TS Phan Văn Hòa - Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nhấn mạnh nhà trường với vai trò của mình trong Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 sẽ bằng mọi cách, mọi phương thức nâng cao năng lực trong dạy và học ngoại ngữ cho cả giảng viên và sinh viên. Trong đó, có các giải pháp tích hợp công nghệ mới trong dạy và học ngoại ngữ, mà hội thảo này cũng với việc ứng dụng phần mềm Tiếng Anh DynEd là bước mở đầu.

Khánh Hiền