Sinh viên FPT chế robot do thám

Bốn tháng làm đồ án tốt nghiệp, thay vì một lựa chọn an toàn, nhóm nam sinh Trường Đại học FPT đã quyết tâm chế tạo một robot thám hiểm. Sản phẩm thách thức cả nhóm về thời gian, kiến thức, đam mê, nhưng họ đã thành công xuất sắc.

Với vẻ ngoài như một chiếc xe tăng mini có cần trục gắn camera nghênh cao, bánh xích chắc chắn và lớp vỏ khá đẹp mắt, “Robot do thám” lừng lững lăn đi qua hành lang trường Đại học, khiến ai cũng phải tò mò ngó nghiêng. Không nhiều người biết rằng, những hình ảnh của họ từ bước chân đi, gương mặt, cử chỉ và nhiều thông số khác đang cùng lúc được truyền về cho một người dùng đang điều khiển chiếc xe ở một khoảng cách xa

Bên cạnh đó, chiếc xe còn có khả năng vượt địa hình, tìm đường đi trong bóng tối, được đánh giá là một đồ án tốt nghiệp “hoàn thiện về cả phần cứng, có những ứng dụng cụ thể, nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai”.

Cận cảnh Robot do thám do nhóm sinh viên trường ĐH FPT chế tạo.
Cận cảnh Robot do thám do nhóm sinh viên trường ĐH FPT chế tạo.

“Sản phẩm là một robot do thám có khả năng điều khiển qua internet, có khả năng truyền về hình ảnh, cùng các thông số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ gas...  hướng đến những khách hàng bận rộn, hay phải đi công tác. Một chú robot như trên có thể giúp họ luôn nắm bắt được những gì đang xảy ra trong ngôi nhà của mình. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có những mục đích về thám hiểm, quân sự hoàn toàn có thể phát triển trong tương lai” - Lê Quang Minh, trưởng nhóm dự án chia sẻ.

Trưởng nhóm Lê Quang Minh và Robot do thám.
Trưởng nhóm Lê Quang Minh và "Robot do thám".

Minh cho biết, khi bắt tay làm Robot, các bạn đã tìm hiểu và tham khảo những sản phẩm tương tự đã có ở Việt Nam “nhưng chưa thấy sản phẩm nào ở Việt Nam rẻ, đẹp mà tất cả đều còn cồng kềnh hoặc đắt đỏ”. Tham khảo thêm mô hình robot do thám của quân đội Mỹ, nhóm từng bước thiết kế, phát triển từng bộ phận, tính năng cho sản phẩm của mình.

Với những hạn chế về thời gian, kiến thức, việc chế tạo Robot do thám của 4 chàng sinh viên FPT không hề dễ dàng. Cả nhóm cho biết, họ đã nhiều lần “trầy da tróc vảy” cho dù đã mày mò áp dụng rất nhiều kiến thức ngoài chương trình học cũng như kinh nghiệm cá nhân của từng người.

“Khó khăn lớn nhất của chúng em là thiết kế mạch điều khiển với kinh nghiệm thiết kế mạch gần như một con số không vì chúng em đều là sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm. Phải qua 4 phiên bản khác nhau, cuối cùng nhóm mới cho ra được một mạch điều khiển chạy ổn định và đáp ứng các yêu cầu đặt ra” - trưởng nhóm Quang Minh giải thích.
 
Thử nghiệm cho Robot vượt địa hình.
Thử nghiệm cho Robot vượt địa hình.

Chọn một công trình khó khăn nhưng cả 4 chàng sinh viên FPT đều không nao núng dù phần việc của mình hóc búa đến đâu.

Bốn tháng làm đồ án là bốn tháng cả nhóm miệt mài đến quên ăn quên ngủ. Hài hước nhất là lần, chỉ vì tình trạng không tỉnh táo do thiếu ngủ mà thành viên lĩnh nhiệm vụ điều khiển robot đã làm “con đẻ” của nhóm rơi thẳng từ tầng 3 xuống tầng 2. Kết quả bất ngờ là robot chỉ bị nứt một số chi tiết bằng nhựa, không ảnh hưởng đến tổng thể. Điều này vô tình đã trở thành một bài kiểm tra hoàn hảo về tính tin cậy của sản phẩm, mặc dù trước đó các thành viên đã nghĩ nát óc mà không tìm được cách nào để thử vì “chẳng ai muốn quăng quật sản phẩm mà mình đã dồn rất nhiều tâm huyết”.
 
Thử nghiệm cho Robot vượt địa hình.
Bốn chàng trai trong nhóm sáng chế robot: Lê Quang Minh, Nguyễn Công Cường, Lưu Bảo Lâm, Vũ Ngọc Quang Thanh cùng giáo viên hướng dẫn và sản phẩm tâm huyết của nhóm trong lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Gây ngạc nhiên thích thú cho tất cả các thầy cô và khán giả trong hội đồng bảo vệ, đồng thời được đánh giá rất cao, những chàng sinh viên này vẫn còn ấp ủ nhiều dự định cho robot đầu tay như: Gắn thêm cánh tay giúp nâng được các đồ vật nhẹ trong nhà, thiết kế trạm sạc pin cho robot, lập trình cơ chế tự tìm đường đến trạm sạc khi sắp hết pin hay lập trình cho robot tự đi trên một lộ trình định sẵn… và đặc biệt là sẽ nỗ lực để thương mại hóa sản phẩm của mình. “Phải làm ra được đồ án tốt nghiệp là những sản phẩm có ý nghĩa, mang tính thực tế và có khả năng thương mại hoá cao”, cũng là mục tiêu chung của nhiều sinh viên công nghệ của ngôi trường này.