ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam):

Sinh viên chưa biết học đâu khi trường trả lại mặt bằng

(Dân trí) - 700 sinh viên ĐH Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) sẽ không có chỗ học tập nếu thời gian bàn giao mặt bằng được tỉnh Quảng Nam ấn định vào ngày 1/12 tới.

Tháng 7/2016, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - chủ trì buổi làm việc với Trường ĐH Phan Châu Trinh về Chiến lược phát triển Nhà trường từ năm 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thống nhất với đề nghị của UBND TP Hội An về việc không gia hạn thời gian thuê đất tại địa điểm số 2 Trần Hưng Đạo (Hội An) và yêu cầu Trường ĐH Phan Châu Trinh triển khai các hoạt động di dời cơ sở vật chất kỹ thuật và bàn giao mặt bằng cho UBND TP Hội An trước ngày 1/12/2016; đồng thời có kế hoạch, phương án tổ chức giảng dạy từ năm học 2016 - 2017 trở đi khả thi, đảm bảo quyền lợi của giáo viên và sinh viên đang theo học tại trường.

Trường ĐH Phan Châu Trinh khó thể di dời đúng thời hạn
Trường ĐH Phan Châu Trinh khó thể di dời đúng thời hạn

Về đề nghị thỏa thuận lại địa điểm đầu tư cơ sở đào tạo mới có diện tích 15ha tại xã Cẩm Thanh (Hội An), Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị Trường căn cứ điều kiện thực tế, quy mô, khả năng huy động tài chính, tính khả thi trong việc triển khai thực hiện dự án để lập các hồ sơ, thủ tục đề nghị thỏa thuận lại địa điểm, gửi UBND TP Hội An kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Giao Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát thỏa thuận lại địa điểm của Trường Đại học Phan Châu Trinh, tham mưu UBND tỉnh quyết định.

Theo nội dung công văn gửi đến Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, UBND tỉnh, Thành ủy Hội An và UBND thành phố ngày 5/10 vừa qua, Trường ĐH Phan Châu Trinh cho biết, từ khi có thông báo của Chủ tịch UBDN tỉnh về việc di dời cơ sở vật chất kỹ thuật và bàn giao mặt bằng tại số 2 Trần Hưng Đạo cho TP Hội An.

Trường ĐH Phan Châu Trinh đề xuất thuê một phần diện tích để dạy và học trong khi chờ xây dựng cơ sở mới
Trường ĐH Phan Châu Trinh đề xuất thuê một phần diện tích để dạy và học trong khi chờ xây dựng cơ sở mới

Nhiều tháng qua nhà trường đã khẩn trương liên hệ hầu hết các đơn vị có vị trí và khả năng đáp ứng cơ sở đào tạo như Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung; Chi cục thuế Hội An; Đoàn địa chất 206 đóng tại Hội An… nhưng tất cả đều không đồng ý cho thuê. Do vậy, để ổn định tâm lý cán bộ, giáo viên và sinh viên, tránh những vấn đề không tốt từ dư luận về sự dịch chuyển, nhà trường xin phép được gia hạn thuê nguyên trạng mặt bằng đến hết tháng 12/2017.

Chiều 11/11, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Ngọc Sơn - Chủ tịch HĐQT trường Đại học Phan Châu Trinh cho biết, hiện tất cả những cơ sở, trường học lớn trên địa bàn Hội An trường đều đã liên hệ nhưng hầu hết không đồng ý, nên bất đắc dĩ phải xin phép tỉnh và thành phố cho gia hạn thêm một thời gian trong khi chờ xây xong cơ sở mới dưới xã Cẩm Thanh.

Ông Trần Ngọc Sơn trao đổi với PV về tình hình khó khăn hiện nay của trường
Ông Trần Ngọc Sơn trao đổi với PV về tình hình khó khăn hiện nay của trường

Ông Sơn nói: “Chúng tôi cũng đã đi thuê nhiều nơi rồi nhưng không có. Có nhiều chỗ có thể thuê được nhưng cơ quan chủ quản họ không đồng ý, còn những nơi khác thì quá nhỏ nên có cho thuê cũng chỉ chắp vá chứ không thể chứa hết cái trường mình được”.

Theo ông Sơn, ngày 26/9 vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng đã có thông báo số 422 thỏa thuận địa điểm cho Trường ĐH Phan Châu Trinh lập thủ tục đầu tư xây dựng tại thôn Võng Nhi (xã Cẩm Thanh, Hội An) diện tích 15ha, thời gian này trường đang xúc tiến các thủ tục xin cấp phép, đầu tư, khoảng tháng 6/2017 sẽ khởi công xây dựng, qua năm 2018 có thể đi vào hoạt động được.

Ông Trần Ngọc Sơn trao đổi với PV

Ông Trần Ngọc Sơn thừa nhận, thời gian qua hoạt động của trường gặp rất nhiều khó khăn. Hiện trường có hơn 700 SV, năm 2016 trường tuyển sinh chưa đến 100 sinh viên mới. Việc nợ lương cán bộ, giảng viên, văn phòng phẩm, bảo hiểm xã hội… đã lên đến hàng trăm triệu đồng, riêng nợ quỹ bảo hiểm xã hội đã hơn 400 triệu đồng.

“Chúng tôi muốn có sự ổn định để hoạt động. Chúng tôi chỉ cần thuê 1 phần của cơ sở này để tiếp tục dạy và học trong khi chờ triển khai xây dựng dưới Cẩm Thanh chứ trường đã hết cách rồi. Nếu cố gắng lắm cũng chỉ có thể di chuyển người chứ đồ đạc không thể mang theo hết”, ông Sơn bày tỏ.

Ngày 4 và 7/11, Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng đã liên tiếp gởi 2 công văn đến Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam; trường đưa ra 3 phương án, trong đó trường trả lại phần lớn diện tích và thuê khoảng 1/3 diện tích để ổn định tình hình dạy và học của sinh viên trong khi chờ xây dựng cơ sở mới.

Ngày 9/11, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã có văn bản chuyển UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Công Bính