Sinh viên cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh

(Dân trí) - “Xây dựng một trang mạng cá nhân thực sự có chất lượng và thu hút đối với cộng đồng mạng là điều tốt nhưng đừng chạy theo những câu nói quá khích, hành vi trái đạo đức… để “câu like, câu view”.

Đó là lời khuyên của TS Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục trong buổi tọa đàm “Kỹ năng ứng xử trên trang mạng xã hội” cho sinh viên tại trường Đại học Hòa Bình vừa qua.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, sinh viên nên tập trung xây dựng hình ảnh đẹp, đồng thời đưa góc nhìn của mình vào các sự kiện xã hội, dù đúng dù sai thì quan điểm cá nhân luôn được chất nhận. Điều đó không chỉ thể hiện văn hóa mạng, nó thể hiện chính tính cách và con người các bạn. Tiếp thị hình ảnh bản thân là một cách cho mọi người xung quanh nhìn vào giá trị tiềm năng, sự lan tỏa đối với cộng đồng của bạn.

mang xa hoi.jpg

90% sinh viên sử dụng các trang mạng xã hội

TS Nguyễn Đức Tài, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông Đa phương tiện, trường Đại học Hòa Bình cho biết, nhiều khảo sát gần đây công bố 90% sinh viên đều sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Google+…

Nhìn vào mặt tích cực thì các trang mạng xã hội giúp sinh viên học tập tốt hơn, giao tiếp, tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc dùng để kết nối các bạn có chung mục đích bằng các trang mạng có tính đặc thù riêng. Nhờ đó, khoảng cách đã được kéo gần lại về cả mặt địa lý lẫn tinh thần của các bạn trẻ hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc sử dụng mạng xã hội gây ra không ít những tác động xấu. Mạng xã hội khiến sinh viên sao nhãng học tập và các hoạt động ngoại khóa. Quỹ thời gian tự học của các bạn bị giảm đi do dành quá nhiều cho việc lướt web; vô tình gây ra hậu quả nhiều bạn trẻ hiện nay có những suy nghĩ sai lệch, hành động sống “ảo” quá khích và ứng xử thiếu văn minh trên các cộng đồng mạng.

Tại buổi tọa đàm, ông Đào Hiếu Minh, Chủ tịch Roll Royce Motor Cars Hà Nội cho biết, chúng ta hiện đang quá lạm dụng mạng xã hội khiến cho các trang mạng xã hội có ảnh hưởng xấu đến hành vi của nhiều bạn trẻ.

Điều hại đầu tiên các bạn có thể nhìn thấy đó chính là hại sức khỏe, bởi dành nhiều thời gian để online, thị lực sẽ bị suy giảm; trí não làm việc liên tục không được nghỉ ngơi. Các biểu hiện suy giảm sức khỏe này chưa thể hiện ngay nên vô hình chung là chúng ta đang chủ quan và coi nhẹ nó. Không ít trường hợp các bạn trẻ bị “nghiện” mạng xã hội mà không hay biết, tần suất sử dụng trong ngày quá nhiều, lượng đăng ảnh và dòng trạng thái liên tục…

Đồng thời, trên trang mạng xã hội cá nhân của các bạn sinh viên thường có số lượng bạn bè rất đông đảo từ 1.000 đến 5.000 người, thậm chí cao hơn rất nhiều. Nhưng khi tôi hỏi có quen và nói chuyện với tất cả những người đã đồng ý kết bạn với mình không? Câu trả lời tôi nhận lại được đa số là không giao lưu hết.

Ông Hiếu Minh cho rằng, một hành vi kết bạn bừa bãi, cứ tâm lý thấy ai xinh gái, ai đẹp trai là gửi lời mời kết bạn, dù không biết người đó ra sao, có bạn chung hay không... Các bạn sinh viên lưu ý, khi chỉ gửi lời mời kết bạn mà không có sự tương tác qua lại giữa 2 bên như vậy thể hiện sự tùy tiện và chạy theo đám đông, điều này sẽ khiến việc sống “ảo” ăn sâu trong tiềm thức của các bạn mà không hề hay biết.

Sinh viên cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh - 2
Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi cho các chuyên gia về cách tương tác tốt từ các trang mạng xã hội.

Ứng xử có văn hóa trên cộng đồng mạng

Theo ông Đào Hiếu Minh, cộng đồng mạng như một xã hội chung, mỗi bạn trẻ khi tham gia cần có trách nhiệm với chính mình và bạn bè xung quanh. Nhất là các bạn sinh viên đăng tải hình ảnh, dòng trạng thái cá nhân không nên lấy quan điểm của người khác để đăng lên trang cá nhân của mình, điều đó chứng tỏ các bạn đang đánh mất ý kiến bản thân.

Chúng ta cần nói lên tiếng nói, dù có giống với các bài viết tâm trạng trên mạng thì cũng nên có cách xử lý khéo léo hơn bằng cách sao chép có ghi nguồn, thêm vào những câu nói của bản thân… như vẫn là khẳng định mình.

“Khi tham gia vào một cộng đồng thì các bạn buộc phải tôn trọng những người đang dõi theo trang mạng xã hội. Khi bạn gặp sự cố trong công việc, làm sai việc gì đó, điều đầu tiên cần làm là công khai đưa lời xin lỗi trên các trang mạng xã hội. Đây là hành động thể hiện sự văn minh, biết nhận lỗi và xoa dịu những người xung quanh bạn; nếu né tránh sẽ chỉ làm chúng ta sai càng thêm sai” - ông Đào Hiếu Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tính trung thực trên mạng xã hội là điểm không thể thiếu, vì dân cư mạng rất thông minh, khi bạn đăng ảnh có chỉnh sửa, thông tin sai sự thật… rất dễ bị phát hiện. Cho nên, tôi khuyên các bạn sinh viên đừng quá sống ảo, hãy là chính các bạn, thể hiện sự gần gũi và trung thực thì ắt sẽ mọi người được yêu quý.

Theo ông Minh, trang mạng xã hội cũng chính là một cách để chúng ta nhìn nhận một người ra sao thông qua các phát ngôn, các bức ảnh của họ. Do đó, sinh viên hãy nhớ những chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, thông tin hình ảnh quá phản cảm khiến người khác phải chịu đựng cảm xúc của riêng bản thân bạn, đó là hành động ứng xử văn minh trên cộng đồng mạng xã hội.

Hà Cường