Sinh viên cần hiểu rõ mình muốn gì khi ra trường

Theo học ngành mình lựa chọn nhưng vẫn lơ mơ về công việc mình sẽ làm khi ra trường; không biết rõ thế mạnh của mình để phát huy cũng như những điểm yếu cần khắc phục;… những hạn chế này đang khá phổ biến trong giới sinh viên Việt Nam và những tư vấn kịp thời thật sự cần thiết để giúp họ có thể vững vàng trong bước đi đầu tiên này.

Không xác định được chỗ đứng

Theo Bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quý II/2016, cả nước có 1.088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Con số này đã tăng 16.400 người so với quý I/2016. Theo báo cáo, hiện có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp, chiếm tới 40%. Trong đó, 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Có rất nhiều lý do được đưa ra; tuy nhiên, điểm mấu chốt là hầu hết các bạn trẻ đang thiếu định hướng nghề nghiệp, không biết định vị bản thân và lên kế hoạch hợp lý cho thời sinh viên.

Đây thực sự là tình trạng đáng báo động đối với giới sinh viên Việt Nam. Hiểu biết hời hợt, chung chung, không nắm bắt được những thông tin đầy đủ về ngành nghề mình theo học khi ra trường; chọn ngành học và công việc theo xu hướng thị trường “nghề nào hot thì chọn”, mà không cần biết có phù hợp với năng lực bản thân hay không; chỉ nghĩ tới việc tìm được một công việc ngay khi ra trường mà không tính tới hành trình phát triển lâu dài cho sự nghiệp của mình…. là những hạn chế lớn, cũng là những cản trở với sự phát triển và vươn lên của giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Theo một chuyên gia cố vấn Quản trị doanh nghiệp, định hướng nghề nghiệp là vô cùng quan trọng. Nhưng hầu hết các bạn trẻ thiếu định hướng nghề nghiệp ngay từ khi bắt đầu chọn trường, chọn ngành học, chọn nghề tương lai và không biết định vị bản thân trong môi trường luôn biến đổi từng phút giây. “Học sinh phải chọn nghề rồi mới chọn cơ sở đào tạo phù hợp với điều kiện, năng lực của mình. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ đi theo quy trình ngược: Cố thi vào một trường, một khoa nào đó có điểm tuyển vừa với năng lực của mình, đến khi tốt nghiệp mới lo đến làm nghề gì cũng như tìm kiếm việc làm. Tình trạng này gây nên sự lãng phí cả về nhân lực lẫn của cải cho xã hội”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Đồng hành cùng sinh viên

Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Phó TGÐ Nhân sự, Prudential Việt Nam trả lời thắc mắc của Sinh viên
Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Phó TGÐ Nhân sự, Prudential Việt Nam trả lời thắc mắc của Sinh viên

Thực trạng trên có một nguyên nhân là tư duy lâu nay của cả các trường Đại học, cũng như bản thân các sinh viên. Đó là việc chỉ cần học và tốt nghiệp Đại học, đơn giản là chỉ cần có tấm bằng tốt nghiệp đã đủ mở ra cánh cửa tương lai cho mình. Trong khi với xu thế phát triển của xã hội, bên cạnh tấm bằng Đại học, một định hướng nghề nghiệp đúng đắn mới giúp sinh viên thành công trong sự nghiệp của mình.

Nắm bắt được điểm yếu này của các sinh viên, với mục tiêu giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn để thành công trong tương lai và đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng, Mạng lưới cựu du học sinh Chevening Việt Nam (theo học bổng Chevening của Chính phủ Anh dành cho các nhà lãnh đạo tương lai), Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, đã phối hợp khởi động chương trình Tư vấn nghề nghiệp Chevening Việt Nam (Mentorship).

Chương trình dành cho những sinh viên xuất sắc năm thứ 3 và thứ 4 hoặc sinh viên mới tốt nghiệp (trong vòng 6 tháng) từ các ngành luật, ngân hàng-tài chính, báo chí-truyền thông, nghiên cứu học thuật-giảng dạy tại các trường Đại học ở Việt Nam. Các sinh viên tham gia chương trình sẽ được các cựu du học sinh Chevening là những người thành đạt trong sự nghiệp, trực tiếp hướng dẫn “một kèm một” trong vòng 10 tháng tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh về lĩnh vực chuyên môn các sinh viên mong muốn theo đuổi, cùng phân tích những lựa chọn nghề nghiệp, xác định thế mạnh và điểm yếu của bản thân để có thể lựa chọn con đường phát triển phù hợp và lâu dài, cũng như củng cố kỹ năng để thành công trong công việc tương lai.

Chương trình bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 28/10 đến hết ngày 28/11/2016, và chính thức bắt đầu vào ngày 2/1/2017. Các sinh viên quan tâm có thể tìm hiểu thêm về chương trình tại trang facebook.com/cheveningvietnammentorship.

Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Phó TGĐ Nhân sự, Prudential Việt Nam, một doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình học bổng Chevening từ năm 1997, khẳng định: "Chúng tôi rất vinh dự khi được trở thành nhà tài trợ sáng lập của chương trình tư vấn nghề nghiệp Chevening Mentorship đầu tiên tại Việt Nam. Tôi tin rằng khi tham gia chương trình này với những nhà cố vấn là cựu du học sinh Chevening, các bạn sẽ có những định hướng phát triển sự nghiệp rõ ràng sau khi tốt nghiệp. Đây là một cơ hội phát triển toàn diện dành cho các bạn sinh viên mới ra trường".

PV