Singapore chuyển giao công nghệ “Ngôn ngữ lập trình trong giảng dạy MN ” tại Việt Nam

(Dân trí) - Tiến sĩ Christine Chen, Chủ tịch Hiệp hội các nhà giáo dục mầm non Singapore (AECES) cho biết, Hiệp hội đang thực hiện chuyển giao công nghệ “Ứng dụng ngôn ngữ lập trình trong giảng dạy mầm non” tới Việt Nam.

Công nghệ “Ứng dụng ngôn ngữ lập trình trong giảng dạy mầm non” là do Chính phủ Singapore giao nhiệm vụ cho Hiệp hội các nhà giáo dục mầm non Singapore (AECES) thực hiện. Chương trình được giảng dạy và đào tạo giáo viên tại 163 trường mầm non công lập nhằm rèn luyện tư duy logic, tính chủ động, tự tin, giải quyết vấn đề và sáng tạo cho trẻ mẫu giáo của Singapore.

Công ty Vietedutech, Trung tâm ngoại ngữ Enspire và trường mầm non Eduplay Garden Hà Nội (thuộc công ty Vietedutech) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được AECES chuyển giao công nghệ ứng dụng ngôn ngữ lập trình trong các chương trình tiếng Anh cho trẻ em.

Tại "Hội thảo ứng dụng ngôn ngữ lập trình trong giảng dạy mầm non" ngày 27-3 với các giáo viên mầm non Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội các nhà giáo dục mầm non Singapore (AECES) TS Christine Chen đã chia sẻ về xu hướng công nghệ 4.0 trong giáo dục nói chung và bài học kinh nghiệm của Singapore khi triển khai ứng dụng ngôn ngữ lập trình trong giảng dạy mầm non nói riêng.


Các giáo viên mầm non Hà Nội tham dự hội thảo

Các giáo viên mầm non Hà Nội tham dự hội thảo

Theo TS Christine Chen, cuộc cách mạng 4.0 hay còn gọi là Cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ. Nhờ có công nghệ thông tin và internet, thế giới đã trở nên phẳng, chúng ta sử dụng rất nhiều trí tuệ nhân tạo để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, hiệu quả làm việc cao hơn như: Các bác sĩ sử dụng các thiết bị hiện đại để chẩn đoán, xét nghiệm; Giáo viên sử dụng bảng tương tác; Công nhân lập trình cho robot làm việc; Kiến trúc sư vẽ nhà trên máy tính; Chúng ta sử dụng Facebook để kết nối với nhau, ...

Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ cho con cái chúng ta bằng cách trang bị cho các con những kỹ năng làm chủ cuộc sống, đó là kỹ năng tư duy LOGIC, lập kế hoạch, hay nói cách khác là lập trình để các con có thể chủ động làm chủ, điều khiển các thiết bị thông minh phục vụ cuộc sống và công việc.

Ví dụ, Beebot là chú robot đồ chơi xinh xắn được thiết kế cho trẻ em mẫu giáo, có vài nút bấm cơ bản là tiến lên, lùi xuống, sang phải, sang trái,...Trẻ em sẽ dễ dàng hiểu được cách bấm nút để điều khiển chú Beebot đi đến vị trí mong muốn.

TS Christine Chen cho hay, đây là một công cụ hữu hiệu dành cho giáo viên, tăng cảm hứng cho cho học sinh.Thông qua các hoạt động trò chơi, trẻ sẽ hình thành và được rèn luyện kỹ năng phán đoán, tính toán, lập kế hoạch và phát triển giao tiếp. Ở các nhóm tuổi lớn hơn, trẻ có thể được tiếp cận các loại robot phức tạp hơn, có thể lắp ráp được, có thể thực hiện các tính năng phức tạp hơn. Song tư duy rèn luyện kỹ năng tư duy cho trẻ thì vẫn không đổi.

Theo TS Christine Chen, trong những năm tới, công dân Singapore sẽ làm chủ các thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo để phục vụ cuộc sống chất lượng ngày càng cao. Để đạt được điều đó, chúng tôi đã chuẩn bị từ bây giờ cho trẻ em trong trường mầm non chương trình giáo dục ngôn ngữ lập trình.

Năm 2015 chính phủ Singapore đã đầu tư công nghệ và thiết bị lập trình cho 160 trường mầm non để các em được rèn luyện tính chủ động, tự tin, sáng tạo, tư duy logic và giải quyết vấn đề. Sau một thời gian ứng dụng công nghệ này, tất cả các nhà giáo dục, phụ huynh ở các trường này đều vui mừng chia sẻ là dự án đã có tác động tích cực đến sự phát triển tư duy, kỹ năng sống của trẻ em.


Tiến sĩ Christine Chen

Tiến sĩ Christine Chen

Trao đổi với PV Dân trí về công nghệ lập trình ngôn ngữ cho trẻ em, TS. Christine Chen cho biết, lập trình không có nghĩa là thứ gì đó quá phức tạp và cao siêu mà chỉ các chuyên gia máy tính mới có thể làm được. Lập trình có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống: ví dụ công việc đánh răng đơn giản ai cũng làm hàng ngày thực ra có các bước thực hiện nếu kê ra chi tiết như: Đi vào nhà tắm; Lấy cốc súc miệng; Lấy bàn chải, bơm thuốc vào bàn chải; chải răng; súc miệng, … Hoặc một ví dụ khác là khi chúng ta lập kế hoạch làm việc cho một tuần, hay các qui trình thực hiện công việc, …

Như vậy giáo dục lập trình cho trẻ em chính là rèn cho trẻ tư duy lập kế hoạch, chủ động, tìm hiểu và giải quyết vấn đề. Tuy vậy, khi có các thiết bị robot lập trình thì các giáo viên và giáo viên sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình giảng dạy và học tập.

Vậy theo bà, Việt Nam ứng dụng công nghệ này như thế nào để đạt hiệu quả?

Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ này, bởi các robot lập trình cho trẻ em rất dễ sử dụng. Nhưng điều quan trọng là phải có kế hoạch đào tạo giáo viên bài bản để họ không những biết cách điều khiển robot mà còn thiết kế các hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ em, biết cách đặt ra vấn đề, khuyến khích và hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề.

Hiệp hội các nhà giáo dục mầm non Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào để ứng dụng công nghệ này?

Hiệp hội các nhà giáo dục mầm non Singapore (AECES) thông qua đại diện của chúng tôi tại Việt Nam là Anh ngữ Enspire sẽ chuyển giao công nghệ và đào tạo giáo viên trong năm 2018 cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam mong muốn triển khai chương trình này.

Hiện nay chúng tôi đã đào tạo cho toàn bộ các giáo viên tiếng Anh của Enspire và Trường mầm non Eduplay Garden phương pháp giảng dạy công nghệ này. Hy vọng trong thời gian tới việc ứng dụng công nghệ này sẽ được triển khai rộng rãi để trẻ em Việt Nam được trang bị những kỹ năng cuộc sống và kỹ năng công dân thế kỷ 21 cho tương lai tốt đẹp sau này của các em.

Xin cảm ơn bà!

Hồng Hạnh