“Siết” kiểm tra các ứng viên nộp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để xét công nhận Giáo sư, Phó giáo sư 2019

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, ông Trần Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết: "Với những thông tin lùm xùm xung quanh văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh vừa qua thì Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ có biện pháp kiểm tra kỹ trình độ ngoại ngữ đối với ứng viên nộp bằng tốt nghiệp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh".

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng cho hay, hiện tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước vẫn đang nhận hồ sơ của các ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019 nên chưa biết có ai dùng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để nộp hay không.

Năm nay có hơn 550 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở gửi lên đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2019.

“Siết” kiểm tra các ứng viên nộp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để xét công nhận Giáo sư, Phó giáo sư 2019 - 1

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở: Các Hội đồng Giáo sư cơ sở phải thực hiện đảm bảo đúng quy định tại Quyết định 37 và Thông tư 04, trong đó tập trung chỉ đạo việc công khai hồ sơ điện tử của từng ứng viên trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học (nơi nhận hồ sơ của ứng viên);

Đồng thời, rà soát hồ sơ của ứng viên, thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ; thẩm định thâm niên đào tạo, các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên và tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn, khả năng giao tiếp tiếng Anh của từng ứng viên đảm bảo chất lượng, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Trong trường hợp nếu có ứng viên sử dụng bằng tốt nghiệp văn bằng 2 hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh của trường Đại học Đông Đô để hoàn thiện hồ sơ thì xử lý như thế nào?

Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN cho biết, hiện chưa có một văn bản nhà nước nào hủy các văn bằng đó nên Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ tiến hành sàng lọc hồ sơ ứng viên, đối với các hồ sơ có sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh thì sẽ được ghi chú lại để cho Hội đồng Giáo sư ngành và người thẩm định đọc kỹ hơn.

"Hội đồng ngành sẽ đánh giá khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của các ứng viên, thường được lồng vào ở khâu báo cáo tổng quan khoa học, năm nay quy định là báo cáo bằng tiếng Anh. Sau khi lắng nghe, nếu Hội đống đánh giá ứng viên đảm bảo được năng lực ngoại ngữ, đảm bảo khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh thì lúc đó mới hỏi chuyên môn bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt, tùy theo thành viên của Hội đồng ngành" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, năm nay Hội đồng ngành có nhiều thành viên rất giỏi, đều học ở nước ngoài về. Chính vì thế nếu ứng viên không đủ năng lực ngoại ngữ thì sẽ phát hiện được ngay.

Trước đó, xuất phát từ nhu cầu về sử dụng văn bằng, chứng chỉ trong xã hội rất lớn, đặc biệt trong bộ phận cán bộ, công chức nhà nước để phục vụ hoàn thiện hồ sơ đào tạo sau đại học, thi công chức, nâng ngạch…, trường Đại học Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy một cách tràn lan, không tuân thủ theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Thủ đoạn của các đối tượng là đăng thông tin tuyển sinh trên mạng internet, khi người có nhu cầu đến tìm hiểu thông tin thì trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo “cấp tốc” thông qua cán bộ của Đại học Đông Đô chèn hồ sơ học viên vào danh sách lớp đã học trước đó hoặc tổ chức một lớp riêng cho số học viên này.

Để hợp thức hóa sai phạm, trường Đại học Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1-2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3-6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Tiêu cực đã thả nổi thông qua “cò giáo dục” với mức dao động 40-50 triệu đồng/học viên.

Theo tìm hiểu của Dân trí, trước khi Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg được ký ban Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định 174/2008/QĐ-TTg.

Tại khoản 6, Điều 8, Quyết định 174 đưa ra tiêu chuẩn ngoại ngữ của chức danh giáo sư, phó giáo sư đó là sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh. Điều này có nghĩa nếu một ứng viên nộp bằng tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh (kể cả văn bằng 2) là nghiễm nhiên được công nhận. Quyết định 174 không đưa ra quy định đánh giá, kiểm tra năng lực ngoại ngữ của ứng viên.

Khi Quyết định 37/2018/QĐ-TTg ban hành thì mới hình thành quy trình đánh giá năng lực ngoại ngữ đối với các ứng viên.

Cụ thể, Hội đồng Giáo sư cơ sở phối hợp với cơ sở giáo dục đại học tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh của từng ứng viên. Đây là một trong những điểm đổi so với quy định trước đây để tránh việc đánh giá năng lực ngoại ngữ của ứng viên chỉ dựa vào bằng cấp.

Nguyễn Hùng