Sẽ kiên quyết đóng cửa những ngành không đảm bảo điều kiện

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) đã công bố danh sách 681 ngành thuộc 147 trường cao đẳng (CĐ) không đảm bảo điều kiện, đứng trước nguy cơ bị đóng cửa tuyển sinh năm 2015, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT đã trao đổi về vấn đề này.

Như vậy, chỉ sau gần một năm gần 200 ngành đào tạo trình độ đại học (ĐH) bị tạm dừng tuyển sinh thì động thái quyết liệt hướng tới các ngành đào tạo trình độ CĐ của Bộ lần này được dư luận đánh giá cao, góp phần siết lại các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD & ĐT cho biết: “Đợt tổng rà soát ngành đào tạo CĐ lần này nằm trong chương trình công tác năm 2014 để hướng tới một số mục tiêu như: nắm thực trạng về tổ chức đào tạo của các trường CĐ; kiểm tra các trường trong việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu (đây là nhân tố các trường được tự chủ nhưng thực tế có nhiều biến động); đồng thời cảnh báo vi phạm và xử lý các ngành đào tạo của trường CĐ không đạt điều kiện đảm bảo chất lượng, tập trung vào đội ngũ giảng viên cơ hữu và công tác tuyển sinh và cuối cùng đây là một kênh để góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu trường CĐ, trong đó đặc biệt chú ý tới số liệu về giảng viên cơ hữu và quy mô sinh viên…”

PV: Tháng 3/2014, khi rà soát trình độ ĐH, Bộ công bố hơn 200 ngành bị tạm dừng tuyển sinh, nhưng chỉ sau đó ít ngày thì 62 ngành lại được phép tuyển sinh trở lại, khiến dư luận băn khoăn đặt nhiều câu hỏi. Vậy lần rà soát này, tình trạng trên có lặp lại không, thưa Vụ trưởng?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Bộ GD & ĐT đã tiến hành khảo sát, thống kê dữ liệu về tuyển sinh, giảng viên của các trường CĐ theo Công văn số 2850/BGDĐT-GDĐH ngày 2-6-2014. Kết quả rà soát được thực hiện trên cơ sở báo cáo của các trường và kiểm tra rà soát chung trên toàn hệ thống của Vụ Giáo dục Đại học. Sau khi xử lý kết quả thống kê, căn cứ quy định tại Điểm a, Điểm b khoản 1 Điều 7 của Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/02/2011 (Thông tư quy định điều kiện hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ), Bộ đã có thông báo kết quả xử lý ban đầu đối với 681 ngành thuộc 147 trường cao đẳng chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.

Rút kinh nghiệm từ thực tế những lần rà soát trước, có nhiều trường báo cáo không đúng thực trạng và để bảo đảm độ tin cậy của cơ sở dữ liệu, tránh việc có trường bị xử lý do báo cáo chưa đúng, lần này Bộ có “dự lệnh” cho các trường trước khi quyết định dừng tuyển sinh. Từ ngày 13/2 (các trường được thông báo) đến ngày 6/3/2015, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường cao đẳng có ngành bị cảnh báo dừng tuyển sinh phải rà soát báo cáo thống kê của trường mình, kiểm tra dữ liệu về số lượng sinh viên và đội ngũ giảng viên cơ hữu theo ngành đào tạo; nếu thấy cần thiết, gửi báo cáo thống kê bổ sung kèm theo các minh chứng liên quan về Bộ để kiểm tra, cập nhật lại cơ sở dữ liệu, nếu đủ độ tin cậy.

Sau ngày 6/3, nếu những trường đã được thông báo không gửi lại báo cáo về Bộ kèm theo các minh chứng liên quan theo quy định, thì Bộ sẽ kiên quyết xử lý. Điều đó có nghĩa là các ngành này sẽ bị dừng tuyển sinh năm 2015 và theo quy định của pháp luật, nếu sau thời gian 1 năm từ khi có quyết định dừng tuyển sinh mà trường không khắc phục được thì sẽ bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn.

PV: Ông có đánh giá gì về tác động của những đợt rà soát trước đây và rà soát lần này?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Qua các lần rà soát, kiểm tra trước đây cho thấy, đa số các cơ sở đào tạo đã quan tâm hơn tới việc tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên để đảm bảo điều kiện về giảng viên cơ hữu và có giải pháp đồng bộ để cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng qua rà soát, kiểm tra, Bộ GD&ĐT đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên cơ hữu ở các trình độ đào tạo trong toàn hệ thống. Cơ sở dữ liệu này có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện công tác quản lý; đặc biệt trong thời gian qua đã tránh được hiện tượng một giảng viên đăng ký cơ hữu ở nhiều ngành và nhiều trường khác nhau.

Kết quả rà soát, kiểm tra lần này còn cho thấy: có một số ngành đào tạo không tuyển sinh được do người học không có nhu cầu nhưng nhiều trường vẫn duy trì, không xem xét đánh giá lại nhu cầu của xã hội để đưa ra khỏi danh mục ngành đào tạo của trường; nhiều ngành được phép đào tạo từ trước khi Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT (2011) có hiệu lực, nhưng nhà trường đã không rà soát, bổ sung lực lượng để đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng đã được quy định tại Thông tư này.

Bên cạnh đó, cũng có những ngành được mở theo Thông tư 08, khi mở ngành nhà trường đáp ứng đủ điều kiện về đội ngũ (có xác nhận của Sở GD&ĐT của tỉnh/thành phố), nhưng sau đó không duy trì được đội ngũ giảng viên nên dẫn tới không đủ giảng viên cơ hữu tính ở thời điểm rà soát, kiểm tra này. Thực tế cũng có ngành đào tạo không tuyển sinh được hoặc số sinh viên tuyển được quá ít nên nhà trường đã dừng đào tạo, dừng tuyển sinh trong một số năm. Việc dừng tuyển sinh, không duy trì ngành đào tạo liên tục cũng là nguyên nhân làm cho đội ngũ giảng viên không an tâm công tác, xin chuyển đến cơ sở khác.

Tác động lớn nhất qua các đợt rà soát, kiểm tra đó là buộc các trường quan tâm nhiều hơn tới tuyển dụng, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên – nhân tố quan trọng quyết định tới chất lượng đào tạo; chú ý tới xây dựng và phát triển các ngành đáp ứng nhu cầu xã hội.

PV: Trong danh sách thông báo của Bộ GD&ĐT có nhiều ngành thuộc nhiều trường CĐ sư phạm. Vậy kết quả rà soát lần này có là một kênh thông tin để Bộ tiến hành sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm hay không, thưa ông?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Các trường CĐ sư phạm cũng giống như các trường cao đẳng khác nằm trong đối tượng rà soát kiểm tra lần này. Việc rà soát, kiểm tra thực hiện theo đúng quy định, không có ngoại lệ. Đồng thời với việc rà soát các ngành của các trình độ đào tạo, Bộ GD&ĐT tiến hành rà soát, đánh giá, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch của Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29. Hai công việc trên đều được xây dựng trong các kế hoạch tổng thể và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình quản lý. Kết quả rà soát, kiểm tra lần này cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp cho Bộ GD&ĐT thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm.

PV: Có ý kiến cho rằng, chỉ còn thời gian ngắn nữa là Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, khi đó có thể Bộ GD&ĐT không quản lý các trường CĐ nữa thì việc rà soát và kiểm tra này có ý nghĩa gì?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Việc rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng các ngành đào tạo là theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ GD & ĐT. Đây cũng là một trong những nội dung đổi mới công tác quản lý nhà nước mà Bộ đang quyết liệt thực hiện. Việc rà soát, kiểm tra này là thực hiện kế hoạch đã được đặt ra và triển khai thực hiện trong nhiều năm nay: đầu tiên đối với các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ (2011), các ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ (2012), rồi đến các ngành đào tạo trình độ ĐH (2013) và năm 2014 là các ngành ở trình độ CĐ. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo mà bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào cũng phải thực hiện đối với hệ thống trường CĐ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thu Phương (Báo Công an Nhân dân)