“Sẽ không bất cập nếu nghiên cứu để điều chỉnh kết cấu môn học…”

(Dân trí) - Không đi theo quy trình đào tạo hiện nay đang áp dụng trong các trường đại học mà trường ĐH Đại Nam đã đảo ngược quy trình đào tạo. Tiến sĩ Lê Đắc Sơn, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đại Nam đã chia sẻ cùng chúng tôi về vấn đề này.

 
“Sẽ không bất cập nếu nghiên cứu để điều chỉnh kết cấu môn học…” - 1
Tiến sĩ Lê Đắc Sơn, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đại Nam giải thích: “Đảo ngược quy trình” là phương pháp để chúng tôi xây dựng mô hình đào tạo cho tất cả sinh viên của ĐHĐN, được tiến hành theo nguyên tắc: Lấy yêu cầu thực tế về chất lượng và số lượng tại các doanh nghiệp có các ngành nghề đang đào tạo tại ĐH Đại Nam để xây dựng quy trình đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu đó của các doanh nghiệp”.

Theo ông “Quy trình” đang áp dụng ở các trường đại học nước ta để đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội thời gian qua như thế nào?

Quy trình đào tạo của Việt Nam hiện nay là xác định các ngành nghề cần đào tạo, thời gian đào tạo ở nhà trường, xây dựng kết cấu các môn học, số học trình cần có cho từng ngành nghề cụ thể, biên soạn giáo trình, đào tạo sinh viên thành cử nhân, kỹ sư chuyên ngành đưa ra cho xã hội tuyển dụng.

Sẽ không có gì bất cập nếu chúng ta thường xuyên nghiên cứu để điều chỉnh kết cấu các môn học cũng như nội dung các môn học cho từng ngành nghề phù hợp với thực tiễn phát triển của KHKT và đòi hỏi của nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều năm qua giáo dục đại học của VN không được đổi mới về chất, nhiều kiến thức lỗi thời vẫn chưa được thay thế bởi những kiến thức mới phù hợp. Chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên ở phần lớn các trường Đại học ngày càng lạc hậu so với thực tiễn. Chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên ở phần lớn các trường Đại học ngày càng lạc hậu so với thực tiễn làm cho các cử nhân-kĩ sư mới ra trường đang dần trở thành lực lượng lao động chất lượng thấp, không đáp ứng nhu cầu xã hội. Phần đông các em ra trường phải đào tạo lại mới đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp.
 
Đào tạo xa vời với thực tiễn, là sự “ lệch pha” giữa “Cung - Cầu” nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng đối với nhu cầu nền kinh tế nước ta đang đòi hỏi để phát triển nhanh và bền vững.

Nếu không nhanh chóng có những đột phá trong giáo dục đại học để có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp thì nền kinh tế VN sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nữa trong tương lai gần để cạnh tranh với các nước khác, nhất là việc hội nhập WTO của VN ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Nắm bắt được thực trạng xã hội như vậy, là lãnh đạo ĐH Đại Nam còn non trẻ thì ông “xử lý” thế nào?

Từ cuối năm 2007, ĐH Đại Nam đã sớm tiến hành nghiên cứu và đưa ra giải pháp đột phá để đào tạo sinh viên của mình đáp ứng đòi hỏi của xã hội là “đảo ngược quy trình ” đào tạo gồm 5 bước:

Thứ nhất, khảo sát, điều tra và đưa ra dự báo nhu cầu lao động từ nay đến 2015 và 2020 của các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực sau: Tài chính-Ngân hàng; Kế toán-Kiểm toán; Chứng khoán; Bảo hiểm; Quản lí dự án bất động sản. Trên cơ sở dự báo, ĐHĐN xác định số lượng sinh viên hàng năm sẽ đào tạo cho các ngành nêu trên.

Thứ hai, xác định các tiêu chí của người tuyển dụng nhân viên mới được đào tạo từ các trường Đại học đối với các ngành và các chuyên ngành cụ thể. Trên cơ sở đó, xác định số lượng cụ thể các môn học cho sinh viên các ngành và chuyên ngành.

Thứ ba, xác định số lượng cụ thể các môn học cho sinh viên các ngành và chuyên ngành. Xác định số học trình các môn học (bao gồm các môn học bắt buộc trong chương trình của bộ GD-ĐT quy định).

Thứ tư, xây dựng nội dung các môn học, tiến hành viết giáo trình cho các chuyên ngành và tiến hành đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình dạy và học. Đặc biệt là các mô hình tạo môi trường cho sinh viên học tiếp cận với thực tế đang diễn ra ở doanh nghiệp.

Thứ năm, tuyển dụng bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng từ các doanh nghiệp. Đối với giảng viên hiện tại của trường bắt buộc phải đi làm việc thực tế tại các doanh nghiệp (mỗi năm 2 tháng). Đặc biệt là chúng tôi trả lương cao cho giảng viên để họ yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, chúng tôi rất sẵn sàng cấp kinh phí cho các đề tài NCKH của giảng viên chưa có kinh phí tiến hành hoặc không đủ kinh phí nhà nước cấp để đề tài NCKH thực sự có ích và áp dụng được vào thực tiễn.
 
“Sẽ không bất cập nếu nghiên cứu để điều chỉnh kết cấu môn học…” - 2
SV ĐH Đại Nam

Khi đảo ngược quy trình đào tạo như vậy thì kết quả thế nào thưa ông?

Để thực hiện hoàn chỉnh quy trình 5 bước nêu trên là cả một quá trình 2 tới 3 năm vừa làm vừa điều chỉnh kiến thức giảng dạy cho sinh viên cập nhật kiến thức thực tế. Do vậy, hiện nay chúng tôi chưa tổng kết được.

Với trường tư thuận lợi hơn là lãnh đạo nhà trường có nhiều quyền, có nhiều nguồn huy động kinh phí, trả lương cao cho giảng viên và tự hoạch định ra được chiến lược đào tạo của mình. Còn nhiều trường đại học công lập lại không được như vậy vì họ phải phụ thuộc vào ngân sách nhà nước?

Trong bối cảnh của nước ta hiện nay, việc đòi hỏi về chất lượng lao động của các doanh nghiệp ngày càng cấp bách đặt ra một thách thức lớn cho ngành GD-ĐT của chúng ta. Do vậy, Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần sớm tăng quyền tự chủ cho các trường quyết định ngành nghề đào tạo, nội dung và chương trình đào tạo. Bộ GD-ĐT xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng đào tạo và kiểm tra các trường theo tiêu chuẩn đó theo định kì và công bố công khai.

Bên cạnh đó, cũng nên giao quyền tự chủ tài chính cho các trường công lập mục đích để các trường có quyền trả lương cao cho đội ngũ giảng viên theo đúng năng lực làm việc của họ. Chừng nào đội ngũ giảng viên có mức thu nhập từ lương thấp như hiện nay thì sẽ không bao giờ có được sự nhiệt tâm giảng dạy kiến thức thực sự tốt cho sinh viên và tập trung thời gian vào nghiên cứu khoa học.

Công tác xã hội hoá giáo dục mạnh mẽ hơn nữa nhất là việc tăng học phí, Nhà nước cần tăng hơn nữa kinh phí đào tạo cho các trường công lập, hỗ trợ các trưòng ngoài công lập, cho phép các trường công tăng hơn nữa mức học phí.

Đặc biệt, Chính phủ nên hỗ trợ một mức học phí công bằng cho tất cả sinh viên học ở các trường, không phân biệt sinh viên học công lập hay tư thục.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh