Sau dịch, nhiều giáo viên mầm non “một đi không trở lại”

(Dân trí) - Quản lý phải đứng lớp, cô giáo lớp nhà trẻ lên dạy lớp Lá..., do thiếu giáo viên khi trường hoạt động trở lại, các trường mầm non ngoài công lập phải xoay đủ cách trong khi chờ tuyển người.

Hoạt động trở lại sau hơn 3 tháng nghỉ dịch, nhiều trường mầm non ngoài công lập ở TPHCM và các tỉnh lân cận rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên. Tại một số trường, hiệu trưởng, quản lý phải tạm thời tham gia đứng lớp trong khi chờ tuyển người.

Hiệu trưởng một trường tư thục ở Gò Vấp, TPHCM cho hay, dù chỉ mới trẻ lớp Lá đi học lại nhưng trường đã phải huy động toàn bộ đội ngũ còn lại cùng giữ trẻ.

Tuần tới, lớp Mầm và lớp Chồi đi học trở lại, quản lý nhà trường cũng sẽ phải tham gia vào việc hỗ trợ lớp vì khả năng chưa tuyển được người.

Sau dịch, nhiều giáo viên mầm non “một đi không trở lại” - 1
Sau dịch, nhiều giáo viên mầm non “một đi không trở lại” - 2

Các trường mầm non tư thục tại TPHCM liên tục tuyển giáo viên khi mở cửa trở lại sau đợt nghỉ dịch 

Cô cho hay, đợt nghỉ dịch dài, trường không đủ khả năng để trả lương giữ toàn bộ giáo viên nên nhiều người đã nghỉ việc. Chưa kể, một số giáo viên tìm được công việc khác nên nhiều vị trí bị trống.

Ngay khi có lịch học sinh đi học trở lại, trường đã liên tục đăng tuyển nhưng vẫn chưa tuyển được người. Trường đang cần tuyển 8 giáo viên và bảo mẫu.

Cô N.T.K.N., giáo viên tại một trường mầm non ở Thủ Đức (TPHCM) cho biết, cô phụ trách lớp 3 tuổi nhưng hiện tại, đang đứng lớp trẻ 5 tuổi do trường thiếu giáo viên. Dù hiện tại, chỉ mới trẻ 5 tuổi đi học trở lại và tỷ lệ trẻ quay lại trường sau dịch còn rất thấp.

Theo cô N., sang tháng 6, trẻ quay lại trường sẽ đông hơn. Nếu trường không kịp thời tuyển giáo viên sẽ rất khó khăn, không đảm bảo tỷ lệ 2 giáo viên/lớp như bình thường thì giáo viên hiện tại sẽ cực kỳ vất vả.

"Trẻ nhỏ lâu ngày đi học trở lại sẽ khó tránh việc quấy khóc, phải tập làm quen lại từ đầu. Nếu thiếu giáo viên sẽ cực kỳ áp lực cho các trường trong việc chăm sóc trẻ", cô N. nói. 

Ngay sau khi TPHCM có lịch đi học trở lại của học sinh, hàng loạt trường mầm non tư thục đã cấp tập tuyển giáo viên để hoạt động trở lại. Không chỉ ở TPHCM mà nhiều trường ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... cũng tích cực tuyển giáo viên. 

Nhiều trường chưa thể hoạt động trở lại, hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu giáo viên. Thời gian nghỉ dịch dài, nhiều trường không đủ tài chính để trả lương, bảo hiểm để giữ giáo viên nên giờ thiếu nhân sự. Họ phải tuyển mới nhưng việc tuyển lúc bình thường đã khó, lúc này lại càng khó hơn.

Trên các trang việc làm và các hội giáo viên, tin tuyển dụng tìm giáo viên mầm non được các trường đăng tải liên tục. Có nhiều trường những tuần qua ngày nào cũng cập nhật nhưng vẫn không tìm được người.

Dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề, trong đó phải nói đối tượng giáo viên mầm non dạy trường ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực trạng nhiều người mất thu nhập, mất việc ít nhiều thay đổi sự gắn bó của giáo viên với công việc thiếu sự ổn định, thu nhập không cao. 

Sau dịch, nhiều giáo viên mầm non “một đi không trở lại” - 3

Tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến mất việc, mất thu nhập, nhiều giáo viên mầm non chuyển nghề (Ảnh minh họa)

Thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, có tới 879 cơ sở giáo dục mầm non và trên 23.460 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên bị ảnh hưởng về các khoản lương, bảo hiểm theo quy định.

Đối với giáo viên, trong thời gian nghỉ học phòng dịch, có tới 80% giáo viên bị ảnh hưởng việc làm, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên làm việc tại các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Bà Lê Thị Bé Tuyết, chủ trường mầm non Đô Rê Mi, Bình Dương cho hay, trường đang cần tuyển giáo viên khi hoạt động trở lại. Việc tuyển giáo viên mầm non của các trường ngoài công lập vốn đã rất khó, sau đợt dịch sẽ càng khó.

Thời gian nghỉ dài, nhiều giáo viên tìm được công việc khác, ổn hơn nên họ đổi nghề, không quay lại trường học nữa. 

Chưa kể, với không ít người, công việc giáo viên mầm non chỉ là "tạm thời" để chờ cơ hội, tác động từ dịch đã tạo động lực cho họ đổi việc, "một đi không trở lại".

Hoài Nam