Câu chuyện giáo dục:

“Sao tụi con phải hát nhép?”

(Dân trí) - Tiếng nhạc rộn ràng, tiếng hát lanh lảnh phát ra từ đĩa nhạc, còn các bạn nhỏ là những nhân vật chính trên sân khấu hát cùng nhảy nhót với vẻ gượng gạo như thừa tay, thừa chân bởi đang tập trung để... hát nhép.

Khoảng 10 em nhỏ trong câu lạc Văn Thể Mỹ tại một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, TPHCM được mời trình diễn tại chương trình ra mắt sân chơi thiếu nhi tại thành phố. Các em khoác những bộ đồ diễn thật đẹp, được trang điểm phù hợp với lứa tuổi và đầy háo hức được diễn trước nhiều bạn bè lẫn quan khách.

Khi các em diễn, sự “lạc điệu” trên sâu khấu đập thẳng vào mắt người xem. Các em hát kết hợp với nhảy nhót mà như thừa tay thừa chân. Ánh mặt cho đến nụ cười của những đứa trẻ vô hồn, gượng gạo không thấy được một chút cảm xúc. Chẳng khó hiểu, bởi các em đang căng thẳng để… hát nhép.

“Sao tụi con phải hát nhép?”
Học trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, TPHCM trong chương trình diễn văn nghệ ở trường (Ảnh chỉ mang tính minh họa, không phải nội dung được đề cập trong bài viết).

Môi các em vẫn phải mấp máy cho khớp với tiếng của một giọng ca nhí nổi tiếng được thu sẵn nhưng lại không được phát ra thành tiếng. Giá như các em chỉ diễn một tiết mục nhảy múa phụ họa theo nhạc chứ không phải là tiết mục hát đồng ca, đều đeo micro để hát.

Vừa rời sân khấu, sau tiếng vỗ tay của mọi người, cô học trò lớp 4 phụng phịu hỏi mẹ: “Sao các bác và các bạn lại thích nghe hát nhép? Sao tụi con phải hát nhép? Được hát thật có phải vui hơn không?”.

Có thể các em hát sẽ không hay bằng giọng hát được thu âm sẵn. Nhưng chắc chắn một điều, nếu được hát, các em sẽ vui hơn, biểu diễn có hồn hơn, cảm xúc hơn bởi sự chân thật của chính trẻ thơ. Đây hoàn toàn không phải là một chương trình ghi hình hay lên sóng, các em hát nếu có không trọn vẹn, người nghe cũng sẽ thấy mình được tôn trọng hơn việc phải nghe mấy đứa trẻ hát nhép.

Cô giáo phụ trách tiết mục này chia sẻ lý do các em được sắp xếp hát nhép là để chương trình diễn ra thật hoàn hảo, trọn vẹn. Hóa ra, sự hoàn hảo như suy nghĩ của nhiều người, cả những người làm giáo dục lại được bắt nguồn từ sự giả dối.

Vì sự hoàn hảo đó, họ đặt những đứa trẻ trở thành chủ thể thực hiện và tiếp nhận sự dối trá. Nhồi vào đầu đứa trẻ sự giả dối, lối sống hình thức, tước đi cảm xúc lẫn cả những giá trị thật của các em để đổi lấy sự hoàn hảo - thì đó là sự hoàn hảo méo mó, lệch lạc. 

Hoài Nam