Dự thảo CT giáo dục phổ thông mới: Sao không có môn Việt Nam học?

(Dân trí) - “Những cập nhật mới nhất về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông cho thấy có những cố gắng nhất định của ban soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến xã hội. Điều đó đáng ghi nhận, nhưng rõ ràng là chưa đủ” - ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc Chương trình Fast Track SE, Đại học FPT nhận xét.

Hạn chế lớn nhất của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông ở chỗ, vẫn giữ nguyên cách tiếp cận định hướng theo môn học trong suốt 12 năm của chương trình. Với cách tiếp cận như vậy, môn nào cũng quan trọng, không thể bỏ.

Điều đó dẫn đến việc, môn học mỗi ngày một nhiều lên, nội dung sẽ ôm đồm và việc giảm tải, nâng cao chất lượng giáo dục và quan trọng hơn là việc chuẩn bị cho con em chúng ta sẵn sàng cho cuộc sống tự lập khi đủ 18 tuổi (vừa tốt nghiệp trung học phổ thông) theo hiến định là không khả thi. Đấy là chưa nói đến khả năng ứng biến với những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 hay cơ hội cạnh tranh toàn cầu.

Đơn cử như việc gộp 2 môn Lịch sử và Địa lý trong những lớp đầu chương trình cấp một có vẻ hơi khiên cưỡng, sau lại phải tách ra không giải quyết được gì nhiều.

Do đó, cần có cách nhìn hướng mục tiêu hơn, tập trung vào việc chuẩn bị cho các thế hệ tiếp theo những gì cần thiết nhất, cơ bản nhất, lược bỏ những gì có thể dễ dàng tra cứu và đặc biệt là khả năng tự học.

Ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc chương trình Fast Track SE, Đại học FPT.
Ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc chương trình Fast Track SE, Đại học FPT.

Với cách nhìn mới đó, các môn Lịch sử, Địa lý, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục công dân, Đạo đức và pháp luật có thể nên bỏ hẳn với vai trò là môn riêng biệt mà gộp lại và tách theo chiều khác, thành các môn học mới hoàn toàn:

Trái đất & loài người: môn học về Trái đất, về môi trường sống của con người và về những vấn đề cơ bản của xã hội loài người như một phần của sự sống trên trái đất. Đây là môn nên có trong những năm đầu cấp 1. Ở lứa tuổi mà các loài vật còn biết nói; mỗi cô bé đều là công chúa; mỗi cậu bé đều là một anh hùng thì việc ý thức về môi trường, tình yêu và sự tôn trọng với sự sống của muôn loài là quan trọng nhất. Chưa cần chú trọng nhiều đến các khái niệm quốc gia hay dân tộc.

Việt Nam học: nên là trọng tâm những năm cuối cấp 2 khi học sinh đã có ý thức về đất nước, về tình yêu tổ quốc, về dân tộc thì việc trang bị những kiến thức cơ bản để các em hiểu về lịch sử, địa lý, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình là quan trọng.

Thế giới hiện đại: ở mức chuyên đề ngắn có thể phổ cập ở cuối cấp 2, vào cấp 3 đây là môn có định hướng cho các học sinh có thiên hướng chính trị, xã hội. Có thể đi sâu vào các xu thế phát triển của thới giới hiện đại, các vấn đề về địa chính trị, quan hệ quốc tế,...


Nước láng giềng Malaysia cũng có môn Malaysia học, không chỉ trong chương trình của họ, đây là còn là môn bắt buộc cho các trường quốc tế đặt tại Malaysia. (ảnh minh họa)

Nước láng giềng Malaysia cũng có môn Malaysia học, không chỉ trong chương trình của họ, đây là còn là môn bắt buộc cho các trường quốc tế đặt tại Malaysia. (ảnh minh họa)

Mỗi môn học đó đều có những nội dung vừa đủ về tự nhiên, lịch sử và địa lý, kinh tế và pháp luật... tập trung vào đối tượng chính mà môn học hướng đến. Như vậy vừa nhất quán về mục tiêu giáo dục; vừa đồng bộ dễ hiểu, dễ nhớ, có thể hỗ trợ lẫn nhau; lại vừa dễ dàng điều chỉnh liều lượng theo lứa tuổi hay năng khiếu.

Thực tế các nước trên thế giới đã thực hiện điều này từ lâu. Chương trình giáo dục phổ thông nhiều bang ở Canada, lớp 8 (hệ 11 năm), các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được thay bằng môn Xã hội học với 4 nội dung: lịch sử (hình thành Canada và Mỹ như các quốc gia); địa lý (Bắc Mỹ); công dân và nhà nước; kinh tế và luật pháp.

Rất thực tiễn, học sinh sẽ có thể từ Lịch sử, Địa lý để có cách nhìn độc lập về các vấn đề hiện tại như vấn đề người nhập cư, vấn đề ngôn ngữ và sắc tộc, lợi thế và những hạn chế của vị trí địa lý của đất nước.

Tương tự, chúng ta cũng có thể và cần phải giáo dục học sinh Việt Nam, khi hết cấp 2, có thể không nhớ mũi Hảo Vọng ở đâu (nếu muốn tra cứu và giây là biết) nhưng có hiểu biết và hình dung rõ ràng về vị trí của đất nước, về điều kiện lịch sử và địa lý cũng như về ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nước láng giềng.

Không nói đâu xa, nước láng giềng Malaysia cũng có môn Malaysia học, không chỉ trong chương trình của họ, đây là còn là môn bắt buộc cho các trường quốc tế đặt tại Malaysia. Cải cách giáo dục ở Việt Nam, cần có cách nhìn từ chiều không gian khác. "Không thể giải quyết vấn đề bằng chính lối tư duy đã tạo ra vấn đề đó "(Albert Einstein).

Khúc Trung Kiên