Sáng tạo với bản đồ nổi cho học sinh khiếm thị

Cô Nguyễn Thị Ánh Đào - Giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật (Bến Tre) chia sẻ sáng kiến làm bản đồ nổi, giúp học sinh khiếm thị tiếp thu kiến thức Địa lý dễ dàng hơn.

Tôi đã thể hiện và thu nhỏ hình dạng tương đối chính xác về Bến Tre, Việt Nam và toàn bộ bề mặt Trái Đất. Dựa vào các bản đồ nổi đó, học sinh có thể thu thập được nhiều thông tin như: Vị trí, địa hình, đặc điểm, sự phân bố của các đối tượng địa lý và các mối quan hệ giữa chúng.

Những đồ dùng nổi cho học sinh sờ một thời gian ngắn thì bị tróc, bể... Tôi rút kinh nghiệm làm một bộ đồ dùng với 3 bản đồ nổi: Thế giới, Việt Nam và Bến Tre trên những khung gỗ với những chất liệu kết chặt cho học sinh sử dụng lâu hơn.

Để cho việc dạy và học có logich, học sinh hiểu bài có hệ thống. Có thể áp dụng cho học sinh trong tất cả các cấp học, ở các môn cần bản đồ này, điển hình là giáo viên đã áp dụng từ lớp 6 đến lớp 9 với môn Địa lý và Lịch sử.

Học sinh hào hứng với bản đồ nổi
 
Học sinh hào hứng với bản đồ nổi
Học sinh hào hứng với bản đồ nổi.

Cách thực hiện bản đồ như sau:

Bước 1: Đóng 3 khung: Khung thứ nhất đắp bản đồ thế giới có chiều dài 73 cm, rộng 50 cm. Khung thứ hai để đắp bản đồ Việt Nam có chiều dài 73 cm, rộng 39 cm. Khung thứ ba để đắp bản đồ Bến Tre có chiều dài 45 cm, rộng 39 cm.

Bước 2: Vẽ bản đồ thế giới lên khung thứ nhất, bản đồ Việt Nam lên khung thứ hai và bản đồ Bến Tre lên khung thứ ba (Vẽ cả các đảo).

Sơn màu xanh dương lên phần đại dương và biển (những nơi sâu thì tô đậm hơn). Trộn cát, keo sữa, một ít nước và màu.

Bước 3: Trộn cát mịn với keo sữa một ít nước và màu xanh lá. Rồi đắp lớp thứ nhất đều lên một lớp mỏng ở 3 bản đồ với các đảo đã vẽ sẵn.

Lớp đầu tiên đắp khá lâu, vì đắp 3 bản đồ và phải chú ý kỹ từng đường ranh giới của bản đồ. Xong phải chờ cho thật sự khô.

Muốn hoàn chỉnh xong lớp thấp nhất là đồng bằng phải đắp 3 - 4 lớp mỏng chồng lên nhau, tùy đặc điểm của từng đồng bằng.

Ở lớp này chú ý chỉ có màu xanh tượng trưng cho đồng bằng; khi trộn nguyên liệu thì trộn một ít, hết trộn tiếp chứ không trộn một lần vì làm lâu sẽ bị khô cứng lại. Khi đắp bản đồ Bến Tre chú ý ranh giới các con sông.

Ở lớp thứ nhất này trộn một phần nhỏ cát, keo, nước với màu trắng để đắp đảo Grơnlen và châu Nam cực trên bản đồ thế giới. Đến đắp lớp thứ hai màu vàng ta trộn cát to hơn với keo sữa thêm một ít nước và màu vàng, rồi đắp lên trên lớp màu xanh để tạo độ cao hơn.

Cũng giống như lớp màu xanh của đồng bằng, ta đắp nhiều lớp mỏng dần cao lên, và cũng chờ cho khô từ từ. Có như vậy mới tạo được sự bền.

Khi đắp lớp thứ hai này cần chú ý chừa phần đồng bằng ra, chính vì điều đó nên khi đắp phải kết hợp thật sát với bản đồ sáng về màu sắc. Ở giai đoạn này khi đắp từng lớp mỏng cũng chờ cho thật khô.

Màu vàng này không đắp lên bản đồ Bến Tre, vì Bến Tre là đồng bằng nên chỉ đắp một lớp màu xanh.

Sang lớp thứ ba trộn cát to hơn nữa với keo sữa, một ít nước và màu cam để tạo độ cao hơn. Rồi đắp lên trên lớp màu vàng.

Lớp thứ ba này đắp nhiều lớp mỏng hơn ở những dãy núi cao của thế giới, còn bản đồ Việt Nam thì ít hơn (vì địa hình núi của Thế giới có nhiều dãy núi cao như Himalaya, Thiên Sơn, Coocđie, Anđet,…).

Khi đắp lớp thứ ba này cần chú ý chừa phần màu vàng ra, chính vì điều đó nên khi đắp lớp này cũng phải kết hợp thật sát với bản đồ sáng về màu sắc.

Lớp cuối cùng: Trộn cát to nhất với keo sữa, một ít nước và màu đỏ. Phần này đắp tạo núi, phải tạo được dáng của những dãy núi với nhiều đỉnh núi.

Lưu ý, chừa những dãy núi cao để đắp thêm một lớp màu nâu nữa và cho nổi lên độ cao hơn của những dãy núi như Himalaya, Thiên Sơn, Coođie, Anđet, phải bộc lộ được Himalaya đây là nóc nhà Thế giới bằng cách đắp thêm 2 lớp mỏng và tạo những đỉnh nhọn.
 
Bước 4:

Bước 4: Pha màu đen cùng keo sữa vẽ tên các bản đồ trên nền màu trắng.

Viết chữ Braille trước, chữ sáng sau chồng lên trên chữ Braille tên các châu, các đại dương (dán lên bản đồ Thế giới), tên các nước láng giềng, biển (dán lên bản đồ Việt Nam), tên các huyện, thành phố, tỉnh tiếp giáp, biển (dán lên bản đồ Bến Tre).

Qui trình thực hiện mất rất nhiều thời gian, khi đắp xong một lớp phải chờ cho khô, cũng như phải chỉnh sửa lại nếu có sai sót.

Khó khăn nữa là khi đắp những phần nhỏ và tiếp giáp phải dùng những dụng cụ thật nhỏ, mỏng để thực hiện nếu không sẽ bị dính hoặc lệch vị trí.

"Đối với môn Địa lý có những từ như thời tiết, khí hậu, bão…, giáo viên có thể dùng lời để miêu tả cho học sinh nghe thì học sinh hiểu. Những bài dùng la bàn, thước tỉ lệ,… thì giáo viên dùng vật thật, cầm tay cho học sinh sờ vật các em mới hiểu và biết.

Những bài về thế giới, các châu lục, các nước trên thế giới, Việt Nam, địa phương Bến Tre,…nếu học sinh chỉ nghe sẽ rất khó nhận ra, các em không biết châu đó ở đâu, nước đó ở đâu,... trên thế giới; núi, sông, đồng bằng, cao nguyên,... mà giáo viên muốn nói đến ở châu nào, khu vực nào,...

Có khi các em sẽ rất mơ hồ và không hiểu hoặc hiểu sai vấn đề mà giáo viên muốn nói. Các em có muốn tự tìm hiểu, tự nghiên cứu thêm ngoài giờ lên lớp cũng không biết phải làm sao".  - Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Đào 

 

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại