Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4:

Sáng tạo không được bảo hộ sẽ tự chết yểu

(Dân trí) - Khi mọi sáng tạo trong đó có sáng tạo khoa học không được bảo hộ, khuyến khích nó sẽ bị triệt tiêu. Hiện nay, tại Việt Nam, mức độ vi phạm quyền tác giả vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sáng tạo cũng như môi trường đầu tư trong nước.

“Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” diễn ra vào 26/4 hàng năm, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thiết lập nhằm nâng cao nhận thức cũng như  biểu dương tính sáng tạo, sự đóng góp của những người sáng tạo và những người đổi mới vào việc phát triển các xã hội trên toàn cầu. Hưởng ứng ngày này, Việt Nam Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng phát động Tuần lễ hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ, với chủ đề “Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Tại lễ phát động, ông Hoàng Văn Tân - Cục phó Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cho rằng: Khi sáng tạo không được bảo hộ, không được khuyến khích, nó sẽ bị triệt tiêu.

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt thắp sáng những sáng tạo trong cuộc sống

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt thắp sáng những sáng tạo trong cuộc sống.

Đến nay, chúng ta đã tham gia 5 điều ước Quốc tế liên quan đến Bảo hộ quyền tác giả và Quyền liên quan, đó là: Công ước Berne; Công ước Geneva; Công ước Brussels; Công ước Roma; Hiệp định về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) trong hệ thống các hiệp định của WTO. Việt Nam cũng đã ký kết và đang tiến hành đàm phán để ký kết một số hiệp định kinh tế và thương mại song phương và đa phương, trong đó có các điều khoản về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Về vấn đề này, ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, Công nghệ thông tin là một trong những ngành công nghiệp tiêu biểu mà việc bảo hộ sở hữu trí tuệ là một nhân tố then chốt quyết định sự phát triển. “Tình trạng ăn cắp phần mềm thực sự đã làm nản lòng các hãng phát triển phần mềm và ngăn cản việc mở rộng kinh doanh. Trên thực thế, do đặc thù của các sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp phần mềm là vòng đời ngắn. nên vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ góp phần tạo quan trọng tạo động lực cho các hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhanh chóng các công nghệ tiến bộ…” - ông Trí chia sẻ.

Là một doanh nghiệp phần mềm trong nước, ông Hà Thân - Tổng Giám đốc Lạc Việt ước tính bị thiệt hại khoảng 50 triệu USD vì nạn ăn cắp bản quyền.

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ, trong những năm qua, lĩnh vực Sở hữu trí tuệ đã đạt được những tiến bộ đáng kể ở mảng phim ảnh, âm nhạc, sách.. đặc biệt là lĩnh vực phần mềm máy tính. Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Hoan - Quyền Cục trưởng, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), hiện nay, tại Việt Nam, mức độ vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn cao. Tình trạng này đã gây thiệt hại cho chủ thể quyền và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sáng tạo và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hợp tác kinh tế - văn hoá với các nước trên thế giới. Dù vậy, đánh giá về chặng đường 10 năm chiến dịch chống vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam, ông Tarun Sawney - Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của BSA Liên minh phần mềm đã đưa ra thông tin: Tại Việt Nam tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 11 điểm từ 92%  năm 2004 xuống còn 81% năm 2011.

Phạm Thanh