Sẵn sàng cho năm học mới

(Dân trí) - Cho đến thời điểm này, ngành giáo dục nhiều tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới. Sở GD-ĐT các địa phương cho biết, ngày khai giảng năm học mới 2012 - 2013 sẽ diễn ra trang trọng và cũng không kém phần phấn khởi, vui tươi.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT Khánh Hòa cùng các địa phương trong tỉnh đã ráo riết triển khai việc nâng cấp, xây dựng trường lớp, đồng thời có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng cho HS và bổ sung đội ngũ giáo viên. Năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh Khánh Hòa có 31 trường THPT, 104 trường THCS, 188 trường tiểu học (TH) và 176 trường mầm non (MN) với hơn 255.700 HS.

Sẵn sàng cho năm học mới
Trường THCS Sơn Bình (Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) vừa được xây mới, bắt đầu hoạt động từ năm học 2012-2013. (Ảnh: Quang Thịnh)

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, chuẩn bị các điều kiện và cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ năm học 2012 - 2013, toàn tỉnh đã xây mới 428 phòng học; 12.450m2 phòng chức năng cho các trường mầm non; xây mới 2 nhà đa năng, 2 văn phòng cho các trường THCS; xây mới 3 văn phòng, 4 thư viên cho các trường tiểu học; xây mới 3 nhà công vụ ở đảo Trí Nguyên… với tổng kinh phí hơn 167 tỷ đồng. Riêng kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ chơi ngoài trời, đồ dùng dạy học gần 43 tỷ đồng.

Để tránh tình trạng HS bỏ học do phải đi học quá xa, Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh xây dựng thêm phòng học, mở các lớp nhô cấp 1+2 ở xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh), xã Ba Cụm Nam, Thành Sơn (Khánh Sơn) và phân hiệu trường THPT Lạc Long Quân ở xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh).

Trao đổi về những khó khăn của các đơn vị trước thềm năm học mới, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho biết, nhìn chung các cấp học đều đảm bảo đủ GV theo quy định. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở các môn học và giữa các địa phương; đặc biệt là tình trạng tuyển dụng GV (bậc MN, tiểu học, THCS) ở nhiều địa phương khá chậm. Còn về CSVC, do một số công trình được bố trí vốn chậm nên một số nơi còn khó khăn về đầu tư CSVC, vẫn có địa phương còn phòng học nhờ, học tạm nhưng “không có trường nào vì thiếu CSVC mà không thể tổ chức khai giảng”, ông Lê Tuấn Tứ khẳng định.

Tại tỉnh Sóc Trăng, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được chuẩn bị chu đáo. Thị xã ven biển Vĩnh Châu có nhiều thuận lợi khi được Sở GD-ĐT, lãnh đạo UBND thị xã quan tâm đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tốt cho nhu cầu dạy và học. Theo ông Trịnh Văn Lộc, Phó trưởng phòng GD-ĐT thị xã Vĩnh Châu, đến thời điểm này, về cơ sở vật chất trường lớp, Vĩnh Châu không còn phòng học trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, kể cả các điểm lẻ. Ngành cũng đề nghị UBND thị xã cấp hơn 2,1 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp trên 40 điểm trường trong toàn thị xã. Đồng thời, đề xuất hỗ trợ 2,4 tỷ đồng để trang bị bàn ghế cho GV, HS.

Trường mới ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). (Ảnh: Bạch Dương)
Trường mới ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). (Ảnh: Bạch Dương)

Trong khi đó, so với một số địa phương trong tỉnh, công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học mới ở huyện Ngã Năm ít sôi động hơn, bởi trên địa bàn huyện không có công trình đầu tư xây dựng trường, lớp mới để đưa vào sử dụng đầu năm học. Hầu hết các điểm trường chỉ tập trung vào các hoạt động nâng cấp, sửa chữa nhỏ, cũng như chỉnh trang một số CSVC, bàn ghế đã bị hư hỏng. Ông Nguyễn Hoàng Hai - Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Biên 1, huyện Ngã Năm cho biết: “CSVC của trường đang xây dựng và đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để kịp cho khai giảng; bàn ghế đảm bảo đủ cho HS. Năm nay, trường dự kiến có 12 lớp, HS ra được 11 lớp, còn 1 lớp 1 HS ra lớp ngày đầu tiên khoảng 70 %, còn các điểm lẻ phụ huynh chưa đưa con em ra lớp”.

Ở cụm Trường THCS Long Bình cũng xây dựng hàng rào gần 1 tỷ đồng; Trường TH Mỹ Qưới 1 trang bị thêm về bàn ghế, trị giá 197 triệu đồng; Trường Mẫu giáo Ngã Năm, đang đẩy nhanh tiến độ sửa chữa nền lớp học, kinh phí trên 365 triệu đồng và Trường Mẫu giáo Mỹ Quới, đang dự toán sửa chữa thêm khoảng 300 triệu đồng.

Tại trường THCS Long Tân, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng và bàn ghế được trang bị từ những năm 2003, nên đến nay gần như phòng học, bàn ghế đều bị hư hỏng. Đáng ngại là khu phòng học tiền chế, được xây dựng tạm từ năm học 2010- 2011, 4 phòng học này đều tận dụng vật liệu cây, tol, từ các điểm trường lẻ bị xóa, để che chắn đỡ cho HS có nơi học tập. Trong năm học 2012-2013 này, nhà trường vẫn phải tiếp tục tận dụng sử dụng cho HS học, dù đã xuống cấp nặng.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ngã Năm cho biết: “Do kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư còn rất khó khăn. Phòng đã tham mưu đầu tư nâng cấp và sửa chữa các trường tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng nhưng vẫn chưa khắc phục hết các trường xuống cấp. Vì vậy, trong năm học mới này huyện gặp nhiều khó khăn”.

Trường mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. (Ảnh: Bạch Dương)
 Trường mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. (Ảnh: Bạch Dương)

Được biết, năm học này, tỉnh Sóc Trăng đưa vào sử dụng thêm 2 trường THCS DTNT Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) và THCS DTNT huyện Châu Thành, nâng tổng số trường DTNT lên 10 trường là DTNT Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị, Vĩnh Châu, Long Phú, Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) và Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương. Các trường sẽ tiếp nhận hơn 1.000 HS các cấp. Bên cạnh trường lớp mới và các trang thiết bị mới, các trường dân tộc nội trú cũng được đầu tư các phòng chức năng, nội trú, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng - thư viện. Riêng các em HS khó khăn cũng được hỗ trợ kinh phí học tập theo Quyết định số 112 và 101 của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Long An, các cấp học trên địa bàn tỉnh đã tựu trường từ ngày 6/8 cũng như bắt đầu thực hiện chương trình tuần học thứ nhất từ giữa tháng 8/2012. Riêng lớp 12 THPT bắt đầu học từ ngày 6/8 để có thể kết thúc sớm hơn vào cuối năm (dự kiến cuối tháng 4/2013) chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp nghiệp THPT.

Tại các huyện vùng sâu của tỉnh như Cần Giuộc, Đức Huệ, Đức Hòa, Mộc Hóa…, công tác chuẩn bị cho năm học mới khá tất bật. Theo lãnh đạo ngành GD các huyện cho hay, nhiều trường đưa hàng chục phòng học mới vào sử dụng trong năm học này với kinh phí xây dựng cả chục tỷ đồng, góp phần hoàn thiện về CSVC, phục vụ tốt nhất nhu cầu dạy và học của các trường. Đơn cử như huyện Cần Giuộc đưa vào sử dụng mới khoảng 80 phòng học ở các trường tiểu học; huyện Đức Huệ có trên 50 phòng học mới đưa vào sử dụng cùng nhiều trang thiết bị khác.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Long An cũng cho biết, mức thu học phí năm học 2012 - 2013 đối với GD MN và phổ thông công lập cũng đã được tỉnh thông qua. Theo đó, mức học phí cao nhất là 130.000 đồng/HS/tháng đối với mẫu giáo bán trú lớp Mầm thuộc vùng thành thị (phường thuộc thành phố, thị trấn thuộc huyện). Còn ở vùng nông thôn, mức học phí cao nhất cũng là mẫu giáo bán trú các lớp mầm, chồi, lá từ 55.000 đồng - 75.000 đồng/HS/tháng.

Để thực hiện các nhiệm vụ dạy và học, rèn luyện đạo đức trong năm học mới, UBND tỉnh Long An cũng đã đề nghị ngành GD tăng cường giáo dục HS, SV về tình yêu Tổ quốc, đạo đức, nhân cách, giá trị sống tích cực, kỹ năng sống tốt, ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng. Đảm bảo công tác an ninh trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội trong HS, SV. Tăng cường các giải pháp hiệu quả để tiếp tục giảm tỷ lệ HS yếu, kém và HS bỏ học.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành GD Long An triển khai và giám sát việc thực hiện các quy định chế độ thu, chi, quản lý học phí năm học 2012-2013 đối với GD MN, phổ thông và các trường trung cấp, cao đẳng công lập trên điạ bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng lạm thu trên địa bàn.

Khai giảng năm học 2011- 2012 tại một trường tiểu học ở ĐBSCL (Ảnh: Huỳnh Hải)
Khai giảng năm học 2011- 2012 tại một trường tiểu học ở ĐBSCL (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại Tiền Giang, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng đã tựu trường từ tuần đầu tháng 8/2012.

Tại nhiều trường ở TP Mỹ Tho như THCS Lê Ngọc Hân, THPT Nguyễn Đình Chiểu… thầy và trò các trường này đã tiến hành tổ chức lao động đầu năm như sửa chữa bàn ghế, trang thiết bị, quét dọn vệ sinh phòng học tươm tất.

Đặc biệt, ban giám hiệu Trường THCS Lê Ngọc Hân cho biết, năm nay cũng là năm kỷ niệm 55 ngày thành lập trường nên trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để chào mừng ngay từ đầu năm.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho) cũng đã tổ chức đón khối lớp 10 vào trường. Năm học 2012 - 2013, khối lớp 10 của trường có gần 650 HS. Tại buổi đón, trường tổ chức nhiều tiết mục giao lưu giữa thầy và trò để các HS mới vào học có tâm lý thoải mái, tự tin hơn.

Theo lãnh đạo ngành GD tỉnh Tiền Giang, vào những ngày đầu tựu trường vừa qua, nhiều trường đã tổ chức các buổi lễ phát động HS, SV với an toàn giao thông. BGH một số trường cho biết, các buổi lễ này được tổ chức nhằm giúp các em có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông, đặc biệt là trong tháng 9 - tháng an toàn giao thông sắp tới.

Cũng qua ghi nhận của PV Dân trí, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Quy định về việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) ở các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh năm học 2012- 2013. Việc thu, chi kinh phí của BĐDCMHS phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ HS. BĐDCMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban.

Trong khi đó, tại Bến Tre, nhiều trường phổ thông cũng đã tựu trường và bước vào tuần học đầu tiên. Các hoạt động cho ngày khai giảng đầu tháng 9 này cũng đã được các trường chuẩn bị hoàn tất.

Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, Sở đã có công văn yêu cầu các địa phương tổ chức tốt công tác đón HS đầu cấp, chuẩn bị đủ sách giáo khoa, giấy vở cho HS; vận động quyên góp quần áo, sách vở cho HS vùng khó khăn; đặc biệt quan tâm đến HS thuộc diện chính sách, HS nghèo, HS khuyết tật.

Trong đó, vận động HS bỏ học trở lại trường và các trường cần công khai các khoản thu, chi trong nhà trường, quản lý không để lạm thu dưới mọi mọi hình thức là những yêu cầu trọng tâm của ngành GD tỉnh Bến Tre trong năm học mới này.

Qua trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Sở GD- ĐT các tỉnh ĐBSCL cho hay, ngày khai giảng năm học mới vẫn tập trung vào ngày 5/9 như mọi năm. Sở đã chỉ đạo các trường tổ chức ngày khai giảng trong không khí vui tươi, phấn khởi; đặc biệt phần lễ cần có sự trang trọng nhưng ấm cúng và phần hội vui nhưng tiết kiệm, hiệu quả, có tác dụng thiết  thực đối với GD đạo đức HS, tránh hình thức phô trương không đáng có. Với những quyết tâm trên, năm học 2012 - 2013, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL hứa hẹn sẽ có một năm học mới nghiêm túc và hiệu quả.

Nhóm PV