Sách quý như người bạn tốt

(Dân trí) - Sách giống như người bạn thân thiết chia sẻ vui buồn. Có những cuốn sách thú vị đến mức, đọc xong tôi cứ mỉm cười suốt buổi, thấy có nhiều điều đơn giản đầy ý nghĩa. Có những cuốn sách tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn y nguyên cảm xúc ban đầu mới mẻ, xúc động.

Khi Internet và mạng xã hội bùng nổ, thông tin đa chiều đan xen từng giờ thì sách báo in giấy trở thành “cổ vật”. Ai cũng có thể dễ dàng nhận ra điều này. Công nhân viên chức giờ làm việc tranh thủ lướt web, tán gẫu trên facebook, học sinh sinh viên thì đa số lúc nào cũng kè kè điện thoại thông minh bên người. Họ chỉ cắm cúi chơi game, chát chít không ngớt, nhắn tin với tốc độ chóng mặt. Có lẽ rất nhiều người không có thói quen đọc sách vì sợ kém cạnh bạn bè hoặc thua thiệt với đời khi bỏ qua vô số tin nóng sốt, giật gân.

Tôi vẫn giữ thói quen đọc sách báo liên tục nhiều năm nay. Nhưng thật lạc lõng vì không thể bình phẩm cùng bất cứ đồng nghiệp nào, vì họ không thích đọc báo giấy, không thích đọc sách. Họ chỉ liếc qua vài mục như Thời trang, Làm đẹp, Mẹo vặt làm bếp, hoặc săn tìm thông tin làm thế nào để chăm con tăng cân, ít ốm. Mà tất cả những thứ mọi người cần thì chỉ một cái nhấp chuột là ra ngay kết quả, không tốn một xu mua sách báo, phí tiền, phí thời gian. Mọi người rất thực tế, cái gì có lợi trước mắt là họ đổ xô vào mua sắm: siêu thị khuyến mại, quần áo mỹ phẩm xả kho. Chứ còn sách thì "quên đi, không ai rỗi hơi mà móc ví".

Khi tôi hỏi vì sao mọi người không thích đọc sách? Bạn tôi trả lời tiếc tiền, mỗi quyển sách rẻ nhất cũng tận mấy chục ngàn, sách hay có khi lên đến tiền trăm. Có chị bảo thích đọc sách lắm nhưng chỉ đi mượn thôi, tiền ấy còn dành mua sữa cho con. Có em bảo, em cũng thích sách nhưng chả có thời gian vì còn phải vắt chân lên cổ buôn bán, chạy hàng. Có nhiều người thì trả lời thẳng thừng: sách chả làm ra kinh tế, thời gian ôm quyển sách thà kiếm cái gì làm ra tiền có phải ích hơn không?

Cũng có nhiều người mua sách cho oai, cho đúng mẫu người trí thức uyên bác nhưng có khi suốt cả năm quyển sách vẫn nằm im và mới tinh trên giá sách. Sách chỉ để bày cho đẹp, không đọc vì một lý do hợp lý "quá bận".

Tôi cũng giống số đông giới trẻ bây giờ, mỗi ngày thức dậy là quay cuồng với đủ thứ việc, từ việc cơ quan đến việc nhà, chăm sóc con cái. Nhưng tôi luôn cố gắng tranh thủ đọc sách những lúc trực đêm hôm ở chỗ làm, đọc sách khi con đã ngủ, đọc khi yên tĩnh và đọc ngay những chỗ ồn ào. Đi khám bệnh chờ đến lượt, tôi không nhấp nhổm ngó nghiêng mà thanh thản đọc vài trang sách. Đi tàu xe, mình cũng nhờ đến sách cho quên chặng đường xa.

Sách mang lại cho tôi điều gì?

Sách dạy tôi cách đối nhân xử thế. Tôi ngẫm nghĩ những trang sách hay dạy mình cả cách học, cách làm việc hiệu quả, kiên trì từ những tấm gương vĩ đại. Sách truyền cho tôi tình yêu cuộc sống, biết bao hoàn cảnh khó khăn, éo le vẫn vươn lên làm chủ đời mình, những câu chuyện nhỏ ấy khiến tôi thêm mạnh mẽ vượt qua cảnh ngộ bản thân.

Sách giống như người bạn thân thiết chia sẻ vui buồn. Có những cuốn sách thú vị đến mức, đọc xong tôi cứ mỉm cười suốt buổi, thấy có nhiều điều đơn giản đầy ý nghĩa. Có những cuốn sách tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn y nguyên cảm xúc ban đầu mới mẻ, xúc động.

Sách chính là người thầy dạy tôi sống nhân hậu, tử tế, lạc quan, bớt đi cái nhìn phán xét và ác cảm với những chuyện chướng tai gai mắt đời thường.

Các con tôi thích nhất được nghe mẹ đọc sách, kể chuyện trước giờ đi ngủ. Sách đã cho con trẻ giấc ngủ ngon và chắp cho các con đôi cánh ước mơ.

Nhưng tôi thì vẫn cảm thấy bất lực khi quá nhiều người ngoảnh mặt thờ ơ với sách.

Văn hóa đọc với người lớn phải chăng không còn sức lôi kéo vì họ mải mê trong cuộc chạy đua cơm áo gạo tiền?

Nếu người lớn thờ ơ với sách thì đừng hỏi tại sao con em chúng ta chỉ nghiện game, nghiện mạng xã hội đến mức bỏ ăn, trốn học.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)