Sách bị học trò xem là… “kẻ lạ mặt”

(Dân trí) - Một hội thảo do chính thầy trò của ngôi trường ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long) tổ chức đề cập đến thực trạng văn hóa đọc hiện nay của học sinh vùng sâu.

Hội thảo “Một số giải pháp giúp học sinh THPT vùng sâu thành người đọc hiệu quả” do tổ Ngữ Văn, Trường THPT Mang Thít (Vĩnh Long) tổ chức mới đây. Ngoài giáo viên, các tham luận báo cáo trong hội thảo do chính các em học sinh (HS) thực hiện.

Sách là “kẻ lạ mặt”

Cô học trò Nguyễn Thị Huỳnh Như, HS lớp 12/3 chia sẻ, sách đang bị nhiều học trò xem là “kẻ lạ mặt”. Nếu có đọc, nhiều bạn đọc sách theo trào lưu, đọc tràn lan chứ chưa có phương pháp đọc hiệu quả.

Theo cô học trò Nguyễn Thị Huỳnh Như, nhiều học trò xem sách là “kẻ lạ mặt”.
Theo cô học trò Nguyễn Thị Huỳnh Như, nhiều học trò xem sách là “kẻ lạ mặt”.

Theo Như, để đọc sách hiệu quả, việc quan trọng là người đọc phải xác định đúng đắn mục đích đọc sách. Tiếp đó là chọn sách và cách đọc sách. Cần chú trọng tư duy đọc sách bằng cách vừa đọc vừa hình dung và liên tưởng đến những hình ảnh trong cuộc sống để thấy sách không khô khan và giúp khơi gợi trí tưởng tượng.

Với khảo sát nhỏ với chính những người bạn quanh mình, Nguyễn Huỳnh Anh, HS lớp 12/3 chỉ ra có đến 67% HS không đọc cuốn sách nào, số còn lại chỉ đọc 1 hoặc 2 cuốn sách trong cả 3 năm THPT. Một số lý do bạn trẻ vùng sâu quay lưng với sách như giá sách đắt, việc học “ngốn” hết thời gian, mù mờ trong việc lựa chọn sách phù hợp…

“Đây là một thực trạng đáng buồn và đáng báo động về sự thờ ơ, thậm chí vô cảm với sách ở số đông các bạn trẻ”, Huỳnh Anh bày tỏ trong bài báo cáo của mình.

Theo cô học trò Nguyễn Thị Huỳnh Như, nhiều học trò xem sách là “kẻ lạ mặt”.
Học sinh Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long tham gia vào buổi hội thảo do mình “góp sức’” tổ chức và thực hiện như một cách rèn luyện tự học.

Học trò Trương Quốc Cường nêu lên một thực tế, nhiều bạn muốn giỏi toàn diện, muốn giỏi Văn nhưng khi được hỏi có đọc sách không thì… lắc đầu. “Học trò chưa thấy được vai trò của việc đọc sách”, Hưng nói.

Từ nhận định này, tham luận của Cường chỉ ra vai trò của việc đọc sách như giúp mở mang kiến thức, có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống, hoàn thiện nhân cách, rèn luyện các kỹ năng, giải trí… bằng những dẫn chứng và trích dẫn cụ thể.

Ngoài việc trình bày những vấn đề liên quan đến văn hóa đọc, trong tham luận của mình, các em HS cũng chia sẻ về những cuốn sách về bản thân đã đọc đến những bạn tham gia hội thảo.

Giúp HS biết cách tự học, tự nghiên cứu

Đây là lần đầu tiên, các em HS ở trường vùng sâu này được tham gia hội thảo khoa học. Thú vị nhất là HS được tham gia tìm hiểu về chủ đề, tự mày mò thực hiện các tham luận bằng các khảo sát, nghiên cứu cũng như chuẩn bị các khâu để tổ chức hội thảo.

Đây cũng là một cách học, giúp các em dường như được thoát ra khỏi khuôn mẫu học tập thông thường nghe gì biết ấy, thầy giảng trò chép mà giờ mình đang ở tâm thế chủ động.

Việc đọc sách và tự học của học trò ở các vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều hạn chế.
Việc đọc sách và tự học của học trò ở các vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều hạn chế.

“Đây là cơ hội để học trò vùng sâu như chúng em học cách tự nghiên cứu, cũng như dịp để rèn các kỹ năng như tổ chức chương trình, thảo luận, thuyết trình…”, Nguyễn Thị Huỳnh Như bộc bạch.

Thạc sĩ Huỳnh Văn Thế, giáo viên Văn, Trường THPT Mang Thít cho hay, hội thảo được tổ chức xuất phát từ thực trạng HS ngán ngại với môn Văn và thực trạng đọc sách của HS vùng sâu. Các em thiếu sách, chậm tiếp cận sách và không có thói quan đọc sách.

Mục đích lớn nhất là giúp các em làm quen, yêu mến nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, tập cho HS thói quen, sở thích đọc sách cũng như chia sẻ những cuốn sách đã đọc với bạn bè.

Thầy và trò cùng trao đổi về phương pháp đọc sách.
Thầy và trò cùng trao đổi về phương pháp đọc sách.

“Trước nhu cầu đổi mới, yêu cầu tự học rất lớn. HS không còn thụ động nhận kiến thức “rót” từ người thầy, người thầy cũng không còn ở vai trò đứng “rót” kiến thức xuống mà thầy trò có thể cùng đi tìm kiến thức, chân lý.

Để làm được điều này, HS cần được rèn luyện để có tinh thần tự học, tự học suốt đời chứ không phải học để đối phó”, Thạc sĩ Huỳnh Văn Thế bộc bạch.

Người thầy cũng chia sẻ thêm, hiện chúng ta không có tiết học đọc sách, tìm hiểu về sách mà chỉ đọc sách theo chương trình của Bộ. Rất cần những tiết học đọc sách, tuần lễ đọc sách giúp thế hệ trẻ có thêm nhiều điều kiện đọc sách và đọc sách hiệu quả.

Sau buổi hội thảo sôi nổi của thầy trò ngôi trường vùng sâu, một nam sinh cho biết từ hôm nay em sẽ bớt ăn tiêu, bớt chơi bời để dành tiền mua sách.

Hoài Nam