Rớt nước mắt cô trò ôm nhau chia tay sau buổi học

(Dân trí) - "Cô muốn ôm các bạn! Có ai muốn ôm cô không nào?" - thế rồi cô trò lần lượt ôm chặt lấy nhau chia tay sau một buổi học. Cô Phương cho biết: "Thay vì cảm giác hờn giận, buồn bực, tôi muốn cô trò ôm chặt lấy nhau để cùng xoa dịu cảm xúc không vui trong một ngày học".

"Cô muốn ôm các bạn!"

Đó là câu nói của cô Huỳnh Thị Thanh Phương - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường Tiểu học An Phú 2 (xã An Phú, Củ Chi, TPHCM) với học sinh sau khi kết thúc ngày học ở trường. Thế rồi cô trò lần lượt vòng tay ôm chặt lấy nhau đầy ấm áp, hạnh phúc để tạm biệt, chia tay sau buổi học.

Cô Phương và học trò ôm nhau chia tay sau buổi học

Clip cảnh cô Phương và học trò ôm nhau để chia tay sau giờ học được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động. Có những người lập tức bày tỏ, họ cũng muốn ôm ngay cô giáo dễ thương, tuyệt vời này vào lòng. Một số giáo viên cũng chia sẻ, họ sẽ thử áp dụng cách trao yêu thương của cô Phương.

"Mai mốt em đi dạy, em sẽ làm giống cô Phương. Điều kiện của mình chưa bằng phương Tây nhưng tình cảm thì luôn dạt dào cô hen" - một sinh viên đang theo học ngành Sư phạm bộc bạch.

"Ý đồ" của lòng yêu thương

Nói về cảnh "cô trò ôm nhau" đầy yêu thương này, cô Huỳnh Thị Thanh Phương cho biết ôm nhau chia tay sau buổi học là việc thường xuyên ở lớp mình chủ nhiệm. Tuy nhiên, không có vô tư, thuần túy chỉ là cái ôm như mọi người nhìn vào mà việc cô muốn ôm trò đều có "ý đồ".

Cô Huỳnh Thị Thanh Phương khâu lại đai áo cho học trò
Cô Huỳnh Thị Thanh Phương khâu lại đai áo cho học trò

Ở trên lớp, cô trò cũng có khi giận nhau, nhất là khi các con ồn, nói chuyện riêng, không nghe giảng, không học thuộc bài, đánh nhau... Cô là con người với bao cảm xúc, cũng trách phạt học sinh, cũng có lúc cô sai làm các em buồn.

Cô Phương nói: "Thay vì cảm giác hờn giận, buồn bực, tôi muốn cô trò ôm chặt lấy nhau để cùng xoa dịu cảm xúc không vui trong một ngày học".


Cô Thanh Phương và học trò.

Cô Thanh Phương và học trò.

"Ý đồ" sâu xa hơn nữa với cô Phương chính là giá trị tình yêu trong mỗi cái ôm. Với những học trò đầy đủ cha mẹ, được yêu thương thì các em đón nhận cái ôm vui vẻ như ôm mẹ mỗi ngày. Có những học trò mồ côi hay không nhận được vòng tay yêu thương từ bố mẹ thì cái ôm là để mình hiểu các em hơn, để các em cảm nhận được tình cảm ấp áp.

"Có những học sinh không có mẹ, ban đầu các em rụt rè không dám ôm vì không quen. Có những em có số phận rất éo le, hay bị bố đánh... Thương các em vô cùng khi không có vòng tay yêu thương từ gia đình và mình càng muốn các em chặt hơn", cô Phương nghẹn ngào.

Đối với học sinh, cô Phương rất thích làm những việc nhỏ nhặt cho các em như bắt chấy, vá áo, hoặc như hôm qua cô còn mang áo học trò về giặt... Chưa hẳn các em cần những việc này nhưng cô muốn các em đón nhận, cảm nhận rằng mình được quan tâm, yêu thương, mình có giá trị.

Và điều quan trọng hơn nữa, cô Phương cho biết, vòng tay của các con giúp mình thấy hạnh phúc hơn, thấy yêu cái nghề của mình hơn vì đã cho mình được tiếp xúc với những đứa trẻ. Vòng tay đó giúp cô hiểu rằng các con là những đứa trẻ luôn mong muốn, khát khao được yêu thương, nhắc nhở cô hãy dạy con người ta như con mình. Và vòng tay đó cũng là nguồn động viên với cô Phương để không nản lòng trước những khó khăn trong cuộc sống, công việc và cả trong nhiệt huyết mình theo đuổi.

Cô Huỳnh Thị Thanh Phương là nhân vật trong hai bài viết "Cô giáo mở thư viện miễn phí nơi làng quê nghèo" và bài "Viên ngọc quý giữa đời thường" được đăng tải trên báo Dân trí.

Cô là người lập Không gian đọc Củ Chi ngay tại nhà ở xã An Phú, huyện Củ Chi, TPHCM và bày ra mọi cách để lôi kéo học sinh đến đọc sách. Ngoài ra, cô cũng đi khắp nơi để học hỏi về sách, đi xin sách, đi xin các nguồn tài trợ, từng đi bán cây cảnh để giúp đỡ học sinh nghèo trên con đường tới trường.

Hoài Nam