Roi vọt không giúp trẻ nên người

(Dân trí) - Ở các nước tiên tiến, việc đánh đòn trẻ là một sự xâm hại đến thân thể và tinh thần và có thể bị truy tố trách nhiệm. Còn người Việt ta lâu nay vẫn quan niệm “Thương cho roi cho vọt” hay “Không đánh đòn thì không nên người” nên thực trạng bố mẹ sử dụng đòn roi với con là điều khá phổ biến.

Rất nhiều bố mẹ sử dụng roi vọt để uốn nắn con vào khuôn nếp. Có bố mẹ lại lạm dụng roi vọt bởi đó là “thói quen”, “quán tính”. Có bố mẹ lại khổ tâm khi sử dụng roi vọt bởi bất lực trước tình nghịch ngợm, phá phách, lì lợm của con. Chúng ta cũng chứng kiến muôn kiểu roi vọt từ đánh vào mông, khẽ vào tay đến tát vào mặt, cú lên đầu và cả trói ngược người lên rồi đánh bằng cán chổi, roi mây.

Bao nhiêu hình thức roi vọt là bấy nhiêu tác động nguy hiểm đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Một gia đình có người bố thích sử dụng roi vọt với ba đứa con mà tôi chia sẻ sau đây sẽ là một minh chứng rõ nhất.

Tôi đã chứng kiến một cậu bé mầm non thường xuyên bị bố tát vào má vì nghịch ngợm. Và rồi khi chơi và xích mích với bạn, cậu bé sẵn sàng giơ tay tát thẳng vào mặt bạn với đôi mắt gườm gườm như chính người bố mỗi lần đánh mình. “Mầm” bạo lực được gieo vào tâm hồn trẻ thơ và mặc nhiên sử dụng bạo lực để giải quyết mọi chuyện sẽ là điều thường thấy ở những đứa trẻ quen bị đánh đòn như thế. Không ai dám đảm bảo rằng đứa trẻ ấy lớn lên sẽ tự nhận thức được cái hại của bạo lực cũng như tránh xa được “vết xe đổ” để dạy con cái.

Cô bé học tiểu học ngoan hơn em trai rất nhiều nhưng vẫn bị ăn đòn những lúc lười ăn. Vốn tính rụt rè, nhút nhát, lại thường bị bố mắng, đánh nên lại càng co mình hơn. “Bố” đồng nghĩa với một nỗi sợ hãi lớn mỗi khi cô bé mắc lỗi. Khuôn mặt tái mét, lời nói lắp bắp và co rúm người lại là hình ảnh đáng thương của một đứa con khi đứng trước cha mẹ. Nỗi sợ hãi lấn lướt tất cả, đâu thể nào đòi hỏi con phát triển toàn diện nhân cách, nào là yêu thương, sẻ chia,…

Và cô chị đang là nữ sinh cấp hai mới thật sự là một sai lầm của người bố khi lạm dụng đòn roi. Muôn kiểu đòn roi đều đã “nếm” qua, giờ đây cô bé ấy lì đòn, dạn đòn. Và lời bố không còn tác dụng, đòn roi của bố không còn là sức đe nẹt. Khi người bố bắt đầu nhận ra cách giáo dục bằng roi vọt của mình phản tác dụng cùng với những lời cảnh báo từ xã hội về tình trạng con bỏ nhà đi hoặc tự tử thì bắt đầu quay sang khuyên nhủ, uốn nắn bằng lời nói. Nhưng phải chăng mọi chuyện đã muộn mất rồi bởi những cuộc điện thoại của giáo viên và sự phản ánh liên tục của phụ huynh khác về lời nói, hành vi bạo lực của cô bé không hề giảm?

Quả thật đòn roi không chỉ là những vết lằn, thâm trên thân thể mà còn là nỗi ám ảnh về quá khứ tối tăm cũng như gieo rắc một bi kịch tinh thần đeo đẳng đến suốt cuộc đời. Mọi sự lạm dụng roi vọt không bao giờ làm cho một đứa trẻ nên người, có chăng chỉ là rập khuôn những hành động đúng để tránh roi vọt thay vì tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi.

Quan niệm “thương cho roi cho vọt” không nên hiểu một cách máy móc theo nghĩa đen với sự trần trụi của những làn roi quất vào người. “Roi vọt” cần được hiểu theo ý nghĩa tinh thần, là sự nghiêm khắc, mẫu mực của bố mẹ đối với con cái. Yêu thương con là làm bạn cùng con, dùng tình cảm dạy con, dùng chính lối sống, đạo đức của mình làm tấm gương cho con. Không phải chúng ta phạt đòn lỗi lầm của trẻ mà quan trọng là phân tích cho trẻ thấy được cái sai, nhận thức cần làm gì và cần tránh điều gì.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!