Rơi nước mắt tình cảnh cậu học trò mồ côi đỗ ĐH

(Dân trí) - “Em rất muốn đuợc đi học nhưng em thuơng bà lắm. Mà em đi học em cũng không có tiền! Bà em cũng không có nguời chăm sóc”, cậu học trò mồ côi nghèo vừa ôm bà ngoại già yếu, bệnh tật vừa nói trong nước mắt...

Trong suốt cả câu chuyện kể về gia đình, em Đỗ Văn Bằng, ở thôn Ngọc Tháp, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) luôn đưa tay quệt đi những dòng nước mắt đang lăn dài trên má. Thi đỗ Trường ĐH Mỏ địa chất, khoa Kỹ thuật dầu khí với số điểm 21,5 nhưng Bằng đang lo lắng cho chặng đường phía trước của mình.

Mồ côi mẹ từ khi 10 tuổi, Bằng ở cùng bà ngoại nghèo trong căn nhà nhỏ đơn sơ, không có một vật gì đáng giá ngoài chiếc giuờng cũ của 2 bà cháu và cái bàn học xộc xệch nhưng ngăn nắp gọn gàng của em.

Hoàn cảnh của Bằng hiện tại đã khiến ước mơ giảng đường của em có nguy cơ vụt tắt.
Với hoàn cảnh của Bằng hiện tại, ước mơ giảng đường của em có nguy cơ vụt tắt...

Ngay từ khi sinh ra, Bằng đã không biết bố mình là ai, mẹ em bị bệnh trầm cảm cũng bỏ em mà đi. Hai bà cháu đã gắng gượng rau cháo nuôi nhau. Chú Lê Văn Dương, Bí thư Chi bộ thôn kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày Bằng đang sống và trải qua. Gia đình khó khăn, Bằng trải qua tuổi thơ với những ngày cơm không có đủ ăn, áo không đủ mặc, có ngày phải nhịn đói, sống dựa vào hỗ trợ của bà con lối xóm. Để có miếng cơm qua ngày, Bằng đã từng phải đi làm giúp những việc phụ cho bà con hàng xóm như phơi rơm, phơi thóc, nhặt rau, băm bèo, nấu cám, nhưng em vẫn quyết tâm tới trường.
 
Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Đỗ Văn Bằng. Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Bằng để độc giá có thể chia sẻ với em. Số điện thoại: 0163 3946 914 (địa chỉ: bà Lê Thị Hào - bà ngoại em Bằng, thôn Ngọc Tháp, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa)
Đến năm Bằng 10 tuổi, người mẹ không may mắc bệnh qua đời để em lại cho bà ngoại đã già yếu nuôi dưỡng. Hàng tháng, hai bà cháu sống chủ yếu nhờ vào nguồn hỗ trợ theo Nghị định 67 của Nhà nước cùng nhà chùa Vĩnh Thái hàng tháng tháng hỗ trợ bà cháu 10kg gạo. Ngoài ra, những buổi không đến trường, Bằng đi làm thuê kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống của hai bà cháu.

Cuộc sống khó khăn, tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, nhưng cậu bé mồ côi đã không nhụt chí, luôn nỗ lực vươn lên học tập và nhiều năm đạt học sinh tiên tiến.

Trước ngày đi thi đại học, Bằng suy nghĩ nhiều đêm, nếu thi đậu thì không biết lấy đâu ra tiền ăn học, còn cuộc sống cho bà ngoại 87 tuổi lấy ai lo. Nhưng được sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần của chi hội khuyến học cùng thầy chủ nhiệm, của bạn bè, anh em và bà con xóm làng nên Bằng đã quyết định đi thi đại học.

Kết quả, kỳ thi đại học vừa qua, Bằng đã đạt 21,5 điểm và đậu vào ĐH Mỏ địa chất, khoa Kỹ thuật dầu khí. Nhưng dù kết quả có tốt hơn nữa nhưng ước mơ tới giảng đường của Bằng quá xa vời với em.

“Em luôn nhớ những ngày hai bà cháu trong nhà không còn nổi nắm gạo nấu cháo vì mưa gió, em không thể đi làm thuê đuợc, nhưng em vẫn cố gắng tới trường. Em đã tự an ủi mình khi nhìn thấy những bạn khác có bố hay mẹ bên cạnh rồi lại tự nhủ mình phải cố gắng. Khi được mọi người giúp đỡ, khuyên bảo em đi thi đại học, nhưng em nghĩ thi chỉ để không uổng công 12 năm cố gắng học tập, cũng để không ân hận chứ biết trước rằng con đường đến giảng đường có lẽ chỉ là ước mơ vì chẳng ai có thể cưu mang được em. Khi biết mình đỗ ĐH, em cũng chẳng dám nói với ai. Trong lòng em lại nhen nhóm cái ước mơ quyết tâm đi học. Nhưng rồi, cứ nghĩ bà ngoại già rồi không ai chăm sóc là em lại không muốn đi học nữa”, Bằng chia sẻ.

Trong ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp, không biết có chịu nổi mùa mưa bão năm nay, những tấm giấy khen của Bằng đuợc dán ngay ngắn. Ngồi bên cháu, bà Lê Thị Hào - bà ngoại của Bằng với đôi mắt mờ đục cứ nhìn chúng tôi mà không thể nói nên lời, có đôi lúc bà cười, có lẽ bà cũng biết có niềm vui vừa đến với 2 bà cháu.

Ở cái tuổi 87, bà già lắm và yếu lắm, cái nghèo cứ bám lấy cuộc đời bà. Trong đôi mắt hõm sâu trên gương mặt già nua, héo úa ấy, bà cũng như muốn khóc vì thương cháu.

Thầy Lê Văn Dũng - giáo viên chủ nhiệm của Bằng chia sẻ: “Dù hoàn cảnh của em vô cùng khó khăn, nhưng trong suốt quá trình đi học, năm nào em cũng đều đạt học sinh tiên tiến và học sinh giỏi, là trò ngoan của nhà trường”.

Không biết rồi đây cậu học trò này có thể thực hiện ước mơ của mình khi mà hoàn cảnh của em như thế, bà ngoại em rồi đây sẽ ra sao nếu em đi học xa, không có ai bên cạnh chăm sóc bà…?

Kiều Phiên - Duy Tuyên

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn