Rèn sự mẫu mực, văn minh cho những giáo viên sư phạm tương lai

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mỗi người thầy, các nhà sư phạm phải là những người mô phạm về đạo đức, từ lý tưởng, lòng yêu nước, văn hóa, sinh hoạt… Muốn vậy, những sinh viên sư phạm phải được đào tạo, trau rèn từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo, cán bộ giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ dành cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội “làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”, qua đó bàn về vấn đề đào tạo giáo viên tương lai đủ năng lực, phẩm chất.

Theo Phó Thủ tướng, chữ “mô phạm” Bác Hồ dành cho trường sâu sắc vô cùng. Trường cần xây dựng môi trường văn hóa mẫu mực, chuẩn mực nhất trong giảng dạy, sinh hoạt, giữ gìn môi trường, không vứt rác bừa bãi… để làm gương cho sinh viên.

Rèn sự mẫu mực, văn minh cho những giáo viên sư phạm tương lai - 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam căn dặn việc đào tạo sinh viên sư phạm đủ năng lực, phẩm chất.

TS. Đinh Minh Hằng - Phụ trách công tác Đoàn Thanh niên, chính trị và học sinh, sinh viên của trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu bối cảnh đào tạo sinh viên những năm gần đây có sự chuyển biến lớn. Cụ thể, sinh viên trước kia học theo hình thức niên chế (lớp học) bởi vậy việc quản lý cũng như sinh hoạt Đoàn hội rất dễ, thông qua hình thức lớp và chủ nhiệm nhưng hiện nay đã đổi sang hình thức học tín chỉ, vô hình trung không còn tổ chức lớp nữa.

Như vậy, nếu trước đây hàng tuần sáng thứ 2 hoặc thứ 6, sinh viên thường sẽ có thời gian sinh hoạt Đảng, sinh hoạt Đoàn và trao đổi về mặt lý luận chính trị nhưng hiện nay đã không còn nữa.

Rèn sự mẫu mực, văn minh cho những giáo viên sư phạm tương lai - 2
TS. Đinh Minh Hằng chia sẻ về thách thức giáo dục lý tưởng, ý thức lối sống cho sinh viên thanh niên sư phạm trong bối cảnh mới.

Theo TS. Hằng, điều kiện mới là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho trường ĐH Sư phạm Hà Nội và các trường sư phạm khác khi mô hình dạy học không chỉ có tập hợp lớp mà là tập hợp của nhiều đối tượng sinh viên.

“Khi đó, câu chuyện trao đổi không chỉ là câu chuyện về lý luận chính trị, tư tưởng, bài học mà còn là câu chuyện lớn hơn của thời đại, năng lực, tiêu chuẩn mới với sinh viên khi ra trường”, cô Hằng nói.

TS. Hằng nhấn mạnh thêm, trường đào tạo giáo viên đặc thù cử nhân ra trường phải kết hợp được năng lực sư phạm, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, giá trị đạo đức cũng như các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Ngay từ khi các em bước chân vào trường, nhà trường đã thực hiện tuần sinh hoạt công dân. Một trong những nội dung đầu tiên khi trao đổi là học tập và nâng cao đạo đức, lối sống. Những việc này thực hiện rất đơn giản, nhưng khi hình thành, phẩm chất thói quen để các em trở thành người văn minh, có ý thức trong đời sống và các mối quan hệ. Ví dụ xếp hàng khi đứng trước thang máy, chờ người trong thang máy đi ra rồi mới đi vào... Hay tình yêu với đất nước, nhà trường thể hiện trước hết ở tình yêu của các em với người thân, bố mẹ. Qua đó, giúp các em nhận thức rõ giáo viên tương lai cần có năng lực, phẩm chất gì.

TS. Nguyễn Văn Thỏa - Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, để góp phần đạt được mục tiêu rèn năng lực phẩm chất người giáo viên tương lai cho sinh viên, nhà trường luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đoàn viên sinh viên của nhà trường. Đó là nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, lối sống trong đó đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp, tình yêu nghề nghiệp.

Rèn sự mẫu mực, văn minh cho những giáo viên sư phạm tương lai - 3
TS. Nguyễn Văn Thỏa - Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Đầu năm học có sinh hoạt chuyên môn cho sinh viên khóa mới về phương thức học tập, nghiên cứu ở đại học; tuần nghiệp vụ sư phạm lồng ghép các hoạt động... 1 năm nhà trường tổ chức gần 20 lớp kỹ năng cho Đoàn viên, sinh viên nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên. Kết hợp với phòng công tác chính trị học sinh sinh viên để giáo dục lối sống văn minh cho đoàn viên, thanh niên. Các trang fanpage, đoàn hội, nhóm, sinh viên thường xuyên có thông tin chia sẻ lồng ghép nâng cao ý thức cho người học”, ông Thỏa chia sẻ.

Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông tin thêm, 90% sinh viên ra trường trở thành giáo viên có thể làm Tổng phụ trách Đoàn.

Rèn sự mẫu mực, văn minh cho những giáo viên sư phạm tương lai - 4

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những hoạt động hình thức giáo dục phẩm chất giáo viên tương lai không đao to búa lớn nhưng giúp các em học được rất nhiều. Đó có thể là giáo dục lòng yêu nước, tính độc lập, tinh thần nhân văn, ứng xử nhân ái...

Khẳng định vai trò rất quan trọng của đội ngũ giáo viên trong thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng lưu ý, công tác giáo dục đạo đức con người do nhà trường, gia đình, xã hội thực hiện, nhưng nhà trường phải đi trước.

“Trong công tác đào tạo, mỗi giáo viên cần cần trí thức, kiến thức, nắm bắt được xu thế mới, cách dạy mới theo năng lực, có sự trao đổi, để làm "bừng nở" sáng tạo, năng khiếu của từng học sinh. Việc khai mở sáng kiến, trí tuệ cho mỗi học sinh phải thực hiện từ ngay các trường sư phạm. Đây là điều hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bàn về giáo dục phẩm chất năng lực cho người giáo viên tương lai.

Để làm được điều này, trước hết, mỗi giáo viên phải được khuyến khích sáng tạo cá nhân. Đặc biệt, mỗi người thầy, các nhà sư phạm phải là những người mô phạm về đạo đức, từ lý tưởng, lòng yêu nước, văn hóa, sinh hoạt, để những sản phẩm được đào tạo trở thành những người mẫu mực trong xã hội. Với học sinh càng nhỏ, người lớn càng phải làm gương, bắt đầu từ giáo viên. Đây là vai trò rất quan trọng của các trường sư phạm. Một mặt, xã hội cần có sự chia sẻ đối với các thầy, cô nhưng mặt khác, mỗi thầy cô cần thấy được đó là trách nhiệm, vinh dự cần thực hiện”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm, chữ “mô phạm” của Bác Hồ dành cho trường Sư phạm là nói đến những chuẩn mực từ bé tí trở đi, từ kí túc xá, khu trọ ở sinh viên sư phạm, làm sao phải sạch đẹp, nhìn vào có thể thấy khác hơn các trường khác. Đó là việc tưởng dễ mà không dễ và nhà trường cần lưu ý, nhất là trong bối cảnh cuộc sống xã hội có nhiều va chạm về các giá trị, chuẩn mực.

Lệ Thu