Ra nước ngoài bảo vệ tốt nghiệp, SV ĐH FPT ngay lập tức được tuyển dụng

(Dân trí) - Cuối năm 2018, nhóm sinh viên đầu tiên của ĐH FPT bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp tại nước ngoài. Và nhờ sự thể hiện xuất sắc, tất cả nhóm đều đã nhận được lời đề nghị ở lại làm việc tại xứ sở dầu mỏ của khu vực Đông Nam Á - Brunei.

Lê Ngô Thúy Hằng, Nguyễn Phước Vĩnh Lộc, Bùi Công Nam, Nguyễn Hải Yến là những sinh viên đầu tiên của ĐH FPT được tham gia kỳ Thực tập tại doanh nghiệp (OJT - On Job Training) tại ĐH Darussalam (Brunei). Được biết, đây là ĐH hàng đầu tại Brunei và hiện đang xếp thứ 298 trên bảng xếp hạng QS Ranking.

Ra nước ngoài bảo vệ tốt nghiệp, SV ĐH FPT ngay lập tức được tuyển dụng - 1
ĐH Darussalam (Brunei) – nơi 4 sinh viên ĐH FPT đã có 1 kỳ thực tập đáng nhớ.

Sinh viên ĐH FPT khi tham gia kỳ thực tập tại đây sẽ có 7 tuần học môn chuyên ngành tại ĐH Darussalam, 7 tuần để xây dựng đồ án và 2 tuần cuối để hoàn thiện trước khi bảo vệ trước hội đồng.

Tuy thời gian không dài, lại phải hoàn thành nhiều công việc, 4 sinh viên đến từ ĐH FPT vẫn chủ động, tích cực tham gia vào các dự án tại Công ty Think-Axis - nơi thực tập và cũng là một doanh nghiệp công nghệ lớn tại Brunei để tích lũy kinh nghiệm.

Đề tài tốt nghiệp của nhóm là dự án Startup Portal - một dự án do chính phủ đặt hàng Think-Axis. Mục tiêu của dự án này là thu thập thông tin của các startup và nhà đầu tư, nhằm đưa ra những chính sách kinh tế và chương trình khuyến khích phù hợp. Thông qua dự án của nhóm sinh viên, các startup có cơ hội tìm kiếm nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư và chính phủ. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng tìm được công ty khởi nghiệp đáng tin cậy. “Mọi thông tin của startup đăng lên đều được chính phủ phê duyệt. Điều này giúp chính phủ có thể thu thập dữ liệu và xem được thống kê về startup và nhà đầu tư tại Brunei”, nhóm trưởng Thúy Hằng cho biết thêm.

Điểm đặc biệt là nhóm được chính ông Rahman Yoonus - nhà đồng sáng lập công ty hướng dẫn. “Sếp của mình đã từng là cựu nhân viên Microsoft nên mình cũng học hỏi được rất nhiều công nghệ mới và kinh nghiệm làm việc. Đồng thời do biết mình còn đi học nên sếp cũng khá thoải mái, không gây áp lực nhiều” - sinh viên Vĩnh Lộc kể về người hướng dẫn của nhóm mình.

Khi triển khai dự án, nhóm đã ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt Face API của Microsoft Azure, công nghệ SignalR của Microsoft, giúp start-up và investor (nhà đầu tư) có thể chat (trò chuyện trực tuyến) với nhau và nhận thông báo từ hệ thống ngay lập tức (real-time).

Bước vào buổi bảo vệ đồ án, với sự chuẩn bị kỹ càng cùng lợi thế tiếng Anh được trau dồi ở trường trong suốt 4 năm, cả 4 sinh viên đã không khó khăn để thuyết phục Hội đồng phản biện bằng những ưu điểm trong sản phẩm của mình.

Ra nước ngoài bảo vệ tốt nghiệp, SV ĐH FPT ngay lập tức được tuyển dụng - 2
Nhóm sinh viên ĐH FPT tại buổi bảo vệ đồ án.

Kết quả, sản phẩm của nhóm sinh viên ĐH FPTđáp ứng tốt các yêu cầu từ phía Công ty Think-Axis. Đồng thời, nhận thấy khả năng và thực lực của 4 sinh viên FPT, công ty đã ngay lập tức đưa ra lời mời các bạn ở lại làm việc. Như vậy, sau khi trở về trường hoàn thành nốt các môn học trong chương trình, Lê Ngô Thúy Hằng, Nguyễn Phước Vĩnh Lộc, Bùi Công Nam, Nguyễn Hải Yến đều có thể quay trở lại Brunei để chính thức bắt đầu công việc của một kỹ sư công nghệ thông tin.

Chia sẻ thêm về thành quả của nhóm, Thúy Hằng cho biết: "Điều đặc biệt là khách hàng - chính phủ Brunei đánh giá tốt về sản phẩm của nhóm mình. Hiện tại dự án của nhóm đã được đưa vào sử dụng. Tụi mình rất hạnh phúc".

Sau thành công của nhóm sinh viên kể trên, ĐH FPT đã và đang triển khai tiếp các chương trình thực tập tại Đông Nam Á cho sinh viên ngành công nghệ thông tin. Đây là cơ hội lớn để các bạn làm quen với môi trường làm việc thực tế, đồng thời tích lũy kinh nghiệm tại các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Sự ghi nhận của doanh nghiệp nước ngoài với nhóm sinh viên đến từ Việt Nam là minh chứng rõ ràng về chất lượng cũng như uy tín đào tạo của ĐH FPT. Và bên cạnh ĐH Darussalam (Brunei), ĐH FPT còn đang triển khai chương trình hợp tác với hơn 60 trường thuộc 29 quốc gia trên thế giới, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội lớn để sinh viên dễ dàng hơn khi bước chân ra ngoài biên giới, trở thành một công dân toàn cầu.