Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo:

Quyết tâm xây dựng hình ảnh ngành giáo dục, tạo niềm tin trong toàn xã hội

(Dân trí) - Thẳng thắn, trách nhiệm để cùng thống nhất giải pháp cho năm học mới 2017-2018 là tinh thần chung của Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo toàn quốc vừa tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các vụ, cục, viện, đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc 63 Sở GD&ĐT trong cả nước. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng, Bùi Văn Ga, Nguyễn Thị Nghĩa đồng chủ trì hội nghị.

Năm học 2016-2017 toàn ngành giáo dục triển khai 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp nhằm hướng tới đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã có tác động đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.

Quyết tâm xây dựng hình ảnh ngành giáo dục, tạo niềm tin trong toàn xã hội - 1

Tăng cường kỷ cương nề nếp, nâng cao chất lượng giáo dục

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017. Điều quan trọng, theo Bộ trưởng là những nỗ lực và kết quả đó được dư luận xã hội ghi nhận, đặt niềm tin.

Bước sang năm học 2017-2018, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Mục tiêu của năm học là tiếp tục tập trung vào nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò. Hạn chế những hiện tượng học sinh đánh nhau, không tuân thủ pháp luật. Giáo viên tăng cường kỷ cương công vụ, nâng cao chất lượng và đạo đức nhà giáo, coi kỷ cương là sức mạnh.

Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội”.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp của ngành sẽ tiếp tục được triển khai với nội hàm phù hợp với yêu cầu của từng năm học, trọng tâm trong năm học 2017-2018 như sau:


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Đối với 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu

Về rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học: Đối với khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp phải thoát khỏi khu vực nội đô, khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông. Tăng cường xã hội hóa với nhóm trường, lớp chất lượng cao.

Đối với miền núi khó khăn, có lộ trình sắp xếp trường, lớp hợp lý, đảm bảo chuẩn bị tốt tâm lý cho phụ huynh và học sinh. Riêng với bậc học mầm non và các lớp tiểu học đầu cấp khi sát nhập, dồn dịch các trường học phải đảm bảo yếu tố nhân văn, trẻ được ở gần bố mẹ chứ không dồn trường một cách cơ học.

Cấp tiểu học, THCS phải làm có lộ trình, tránh theo phong trào. Công tác quy hoạch trường, lớp phải gắn với chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, đặc biệt là gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý: Hiện nay, Bộ GDĐT đang hoàn thành các bộ chuẩn, quy chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm, trên cơ sở đó các tỉnh rà soát theo các chuẩn; kết hợp với các trường sư phạm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại.

Yêu cầu đặt ra là phải có lộ trình, bước đi cho hợp lý, tránh làm xáo trộn; chủ động làm việc với các trường sư phạm để triển khai phương pháp đào tạo, bồi dưỡng từ xa, có chính sách linh hoạt về đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp, tránh thừa thiếu cục bộ và bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non, tiểu học, giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ: Đẩy mạnh thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016 - 2020, tập trung rà soát, thống nhất chương trình và các tài liệu dạy học; đồng thời tập trung vào công tác khảo thí minh bạch, khách quan. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; các địa phương chủ động bồi dưỡng giáo viên, tránh tình trạng “chạy” chứng chỉ gây bức xúc trong xã hội.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục: Đẩy mạnh tin học hóa trong quản lý, quyết tâm xây dựng được hệ thống thông tin kết nối giữa Bộ với các Sở GDĐT thông suốt, xây dựng được cơ sở dữ liệu chung.

Hệ thống thông tin cung cấp kịp thời, hai chiều để Bộ kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương, để chính sách hình thành từ thực tế, đồng thời kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các thầy cô.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào việc dạy và học như mô hình lớp học thông minh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giảm bớt sổ sách không cần thiết cho các thầy cô giáo.

Về công tác giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Năm học 2017 -2018 sẽ là tâm điểm thực hiện Nghị định tự chủ trong nhà trường, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị định tự chủ của các trường mầm non, phổ thông để các địa phương giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà trường.

Về hội nhập quốc tế: Các Sở GDĐT phải tích cực tham mưu cho địa phương xây dựng những Đề án, chương trình thúc đẩy hội nhập quốc tế. Trong đó giải pháp quan trọng là xã hội hóa, làm sao để mỗi địa phương đều có yếu tố hội nhập ở các cấp học và ở mức độ khác nhau.

Về tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục: Rà soát hệ thống trường lớp, có kế hoạch rõ ràng cho các trường thực hiện dạy học 1 buổi, 2 buổi/ngày, kiên quyết không để xảy ra tình trạng nợ chuẩn. Có kế hoạch huy động vốn cụ thể từ nguồn vốn trung ương, vốn địa phương, nguồn xã hội hóa để khắc phục tình trạng trường, lớp học không được kiên cố hóa và giảm quy mô về sĩ số ở khu vực thành thị.

Về nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực: Ở bậc phổ thông, các địa phương phải rà soát lại giáo dục cơ bản, giáo dục mũi nhọn, củng cố trường THPT chuyên, Bộ sẽ cân nhắc việc xây dựng thông tư hướng dẫn riêng về nhiệm vụ này. Thi học sinh giỏi cần được cải tiến sao cho nhẹ nhàng hơn, tạo động lực để bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và rà soát các tiêu chuẩn tuyển thẳng, cộng điểm.

Về phân luồng và định hướng nghề nghiệp: Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, các tỉnh phải chú trọng bố trí số lượng giáo viên nghiêm túc thực hiện giáo dục hướng nghiệp, chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm; giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm phải làm tốt để học sinh định hướng nghề nghiệp, tạo tâm lý bình đẳng giữa đại học, nghề nghiệp.


Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa phát biểu

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa phát biểu

Đối với 5 giải pháp cơ bản

Về giải pháp về hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chình về giáo dục và đào tạo: Tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới để hoàn thiện thể chế về giáo dục và đào tạo. Tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm gọn nhẹ.

Giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp: Sau khi có chuẩn, quy chuẩn của các vị trí chức danh, đề nghị Học viện Quản lý giáo dục có các chương trình bồi dưỡng kịp thời để đánh giá, phân loại xếp hạng cán bộ quản lý, công tác bổ nhiệm yêu cầu phải đạt chuẩn. Đối với lãnh đạo phải nhìn vào năng lực kỹ năng quản trị trường học chứ không phải bằng cấp.

Giải pháp về tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục: Tích cực, chủ động tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh/thành phố các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng đẩy mạnh đầu tư vào các bậc học mầm non và giáo dục trung học phổ thông. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào những trường chất lượng cao theo hướng hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia vào phát triển sự nghiệp giáo dục.

Giải pháp tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Bộ sẽ tích hợp các thông tư trong lĩnh vực này thành các bộ chuẩn chất lượng và công bố cho các địa phương. Kiểm định chính là thước đo định lượng để thấy được mặt bằng chất lượng các địa phương đang ở đâu. Bộ cũng sẽ sớm ban hành chỉ số chất lượng để hướng tới phân tầng, xếp hạng chất lượng giáo dục của mỗi địa phương.

Giải pháp về đẩy mạnh công tác truyền thông: Cần đi vào chiều sâu, chủ động truyền thông bài bản trong năm học mới.

Để việc triển khai 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp đạt được hiệu quả, Bộ trưởng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tới từng vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo viên và giáo viên, cán bộ quản lý toàn ngành. Trong đó, nhấn mạnh tới công tác thi đua, khen thưởng cần đi vào thực chất nhằm từng bước đẩy lùi căn bệnh thành tích và lộ trình thực hiện giảm tải nhằm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên.

Bộ trưởng yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ chủ động trao đổi thông tin và tham mưu với chính quyền địa phương về phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tại địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp của ngành, thực hiện dân chủ trường học và tổ chức đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghiêm túc Luật Viên chức, Luật cán bộ, công chức.

Minh Thu