Bạn đọc viết:

“Quý phụ huynh ơi, hãy đồng hành cùng giáo viên nhé!”

(Dân trí) - Công việc “dạy người” chưa bao giờ là dễ dàng cả, tôi muốn nói đến nghề “đưa đò” của tôi và đồng nghiệp. Câu chuyện giáo dục những học sinh chưa ngoan trong một tập thể lớp của cô em đồng nghiệp làm tôi đau đáu mãi.

Cô em đồng nghiệp của tôi tốt nghiệp Sư phạm đã được 3 năm nhưng vẫn không có cơ hội đứng lớp vì những năm trở lại đây không tuyển thêm giáo viên nữa. Thế là cô giáo trẻ này đành bươn chải kiếm sống bằng những công việc lặt vặt khác nhưng ước mơ “gõ đầu trẻ” chưa bao giờ thôi cháy bỏng trong em. 

Rồi vận may cũng đến, năm nay một trường cấp 2 gần nhà thiếu giáo viên đúng môn em giảng dạy. Em được mời đi dạy với đúng nghề của em đã chọn. Em vui như hội vì cuối cùng em cũng có cơ hội để cống hiến đúng nghề cho đời.

Đầu năm, em nhận chủ nhiệm một lớp 8 - lứa học sinh này đã qua tuổi thiên thần và các em bắt đầu bước vào giai đoạn “nửa trẻ con, nửa người lớn”, cứ “ương ương dở dở” khiến cô giáo trẻ này thật sự vất vả.

Mới năm đầu tiên nên cô em đồng nghiệp của tôi tràn đầy sinh lực, tràn đầy nhiệt huyết với chuyên môn, nghề nghiệp. Cô giáo trẻ có mặt liên tục ở lớp cô chủ nhiệm, toàn tâm toàn lực là thế, hy vọng lớp tốt, lớp ngoan là thế.

Nhưng rồi mọi công lao của cô giáo trẻ này “đổ sông đổ bể” cả vì trong lớp có một nhóm học sinh nữ vi phạm nội quy nhà trường thường xuyên và có tính hệ thống.

Cô giáo lúc đầu dùng những lời lẽ chân thành tâm tình và khuyên bảo các em học sinh đó một cách thủ thỉ và cho nhiều cơ hội để sửa sai. Thế nhưng, lời nói ngọt và sự hiền từ của cô giáo vẫn không cảm hóa được những học sinh cá biệt này.

Cô giáo trẻ đành dùng cách thứ hai, phối hợp với gia đình để giáo dục các em.

Giấy mời phụ huynh được gửi liên tục, cô giáo tạm gác công việc gia đình, bao nhiêu việc khác nữa để gặp phụ huynh.

Thế nhưng, mặc cô giáo chờ và đợi, phụ huynh vẫn không đến.

Lúc đầu, chị em giáo viên chúng tôi cho rằng học sinh đã không về đưa giấy mời cho bố mẹ, có thể các em sợ bố mẹ la mắng rồi giấu giấy mời đi, nhưng mọi chuyện không phải như thế, giấy mời đã đến tay những ông bố bà mẹ này.

Chờ đợi quá lâu làm cô giáo chủ nhiệm trẻ mệt mỏi và bắt đầu tức giận, tiếp tục gọi vào số phụ huynh. Đầu dây bên kia bắt máy và một tràng dài những lời quát tháo, mắng mỏ với nội dung “Con tôi không học được thì tôi cho nghỉ, không nhất thiết cô phải mời họp và gọi cho tôi như vậy”. Rồi điện thoại tắt phụt.

Nước mắt cô giáo chực trào. Em khóc trước những học sinh cá biệt, em khóc trước mặt đồng nghiệp. Tôi thương em vô cùng!

Tôi biết những giọt nước mắt của em rơi là vì uất nghẹn, vì tức giận và có phần nhiều là vì sự vô tâm của một số ít bộ phận phụ huynh như trên.

Chuyện cha mẹ “khoán trắng” con cho nhà trường không thiếu, con không học cũng tại cô tại thầy, con không ngoan cũng tại thầy cô dạy dỗ, con hư cũng “trăm sự nhờ thầy cô”... mà phụ huynh không biết rằng giáo dục gia đình mới là giáo dục nền tảng.

Cô giáo trẻ khóc ngon lành như chính mình là người có lỗi trong việc dạy dỗ học sinh qua những lời trách móc của người mẹ đó.

Bây giờ nhớ về giọt nước mắt của em, lòng tôi se lại. Thương em thì ít nhưng thương chính nghề của mình đã chọn thì nhiều. Qua những người phụ huynh như thế, tôi biết lòng yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ trong em phần nào vơi đi.

Dân gian ta cũng hay nói rằng “Con hư tại mẹ”, trong trường hợp những học sinh có bố mẹ như vậy làm sao nên người nếu thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy bảo từ chính gia đình mình. Giáo dục nhà trường không tách rời giáo dục gia đình mà luôn muốn thống nhất các quan điểm trong cách dạy trẻ nên người.

Thiết nghĩ rằng, quý phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm lớp để giáo dục con em mình một cách tốt nhất.

Rất cần sự đồng hành của quý phụ huynh để những giọt nước mắt của những người tận tụy với nghề thôi rơi.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!