Quy chế thi giải tỏa khó khăn của học sinh vùng khó

Khảo sát của một số Sở GD&ĐT cho thấy cả phụ huynh và học sinh đều rất phấn khởi với phương án thi THPT quốc gia, đặc biệt là những thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp.


Quy chế thi mới tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho thí sinh!

Quy chế thi mới tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho thí sinh!

Ông Chu Bá Vinh - Trường phòng giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bắc Giang): 35 - 40% học sinh huyện vùng khó Bắc Giang không xét tuyển vào ĐH

Tôi đồng tình cao với quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Đặc biệt, hoan nghênh quy định cụ thể về cụm thi, trong đó, cụm thi địa phương dành cho các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hầu như những học sinh thuộc đối tượng này có học lực trung bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Quy định trong quy chế chính thức sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các em, như không phải đi xa, bớt kinh phí.

Theo kết quả thăm dò ý kiến chúng tôi thực hiện, học sinh và phụ huynh rất phấn khởi, cho thấy Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy được khó khăn của đối tượng học sinh này.

Bắc Giang là một tỉnh miền núi, có nhiều vùng khó khăn, đặc biệt là 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Những huyện này nằm xa trung tâm, số học sinh có khả năng không xét tuyển vào ĐH lên tới khoảng 35 đến 40%.

Từ thực tế này, cá nhân tôi đề xuất sẽ hình thành một cụm thi đặt tại huyện miền núi Lục Ngạn (vì tại huyện này, khu vực thị trấn phát triển tốt) và một cụm thi đặt tại thành phố, giúp học sinh thuận tiện trong việc đi lại.

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, trước khi có quy chế chính thức, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến những điểm mới cơ bản để các cán bộ, giáo viên và học sinh nắm rõ; đồng thời, tổ chức cho học sinh ôn tập, bồi dưỡng ngay từ đầu năm và tập trung mạnh hơn sau Tết Nguyên đán.

Đến nay, cơ bản các học sinh đã đăng ký môn thi, kể cả môn thứ 4 và môn thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Công việc này sẽ được tiếp tục thực hiện để có thể hoàn tất trước 30/4.

Một trong những điều thuận lợi là năm nay, thời gian thi lùi lại đến tháng 7. Chúng tôi cũng đã tính đến việc, sau khi kết thúc chương trình năm học vào tháng 5, thời gian từ đó đến khi thi sẽ tổ chức quản lý học sinh như thế nào, cùng phụ huynh và gia đình đôn đốc các em ôn tập ra sao khi học chính khóa sẽ không còn.

Để học sinh làm quen với cách thi mới, không bỡ ngỡ, Bắc Giang dự kiến sẽ tổ chức 2 đợt thi thử vào tháng 5 và tháng 6. Sở chú trọng việc biên soạn đề thi theo hướng mở, có tính phân loại cao để nhắm tới 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Chúng tôi có hai phương án: Hoặc thi tập trung, hoặc sẽ đưa nội dung về cơ sở, tổ chức tại các trường để học sinh không phải đi lại nhiều.

Ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Những điều chỉnh trong quy chế thi hợp lý, hợp tình

Sau khi nghiên cứu quy chế (có so sánh, đối chiếu với bản dự thảo và những ý kiến góp ý trao đổi, đề xuất trước đây), Sở GD&ĐT Kon Tum hoàn toàn thống nhất với những nội dung được xây dựng trong Quy chế thi THPT quốc gia.

Đơn cử, thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi điều chỉnh hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30/4 hàng năm. (Dự thảo hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 1/4 hàng năm).

Điều chỉnh này rất hợp lý, giúp các trường chủ động trong việc tổ chức dạy học để hoàn thành chương trình theo quy định.

Đồng thời, giúp học sinh có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn môn thi phù hợp cho việc tốt nghiệp và vào các trường ĐH, CĐ theo nguyên vọng và khả năng của mình. Mặt khác, hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh được hoàn thiện đầy đủ hơn.

Về cụm thi:, theo quy chế, cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GDĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Đây là quy định phù hợp. Bởi vì: Việc sở GD&ĐT chủ trì tạo ra sự chủ động cho công tác tổ chức thi của các sở tại tỉnh; việc phối hợp với trường ĐH tạo ra sự khách quan cần thiết cho kỳ thi; đồng thời tạo được sự ổn định về mặt tâm lý cho học sinh thi tại địa phương, nhất là các em học sinh DTTS, học sinh vùng sâu, vùng khó khăn.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, công bằng và an toàn trong việc tổ chức thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT tại tỉnh, chúng ta cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Về việc sử dụng thang điểm 10, theo chúng tôi có những ưu điểm sau:

Phù hợp với cách dạy học và kiểm tra, đánh giá hiện nay tại các trường phổ thông, tạo sự ổn định về mặt tâm lý cho giáo viên khi làm nhiệm vụ chấm thi.

Không cần thiết phải thay đổi thang điểm khi chấm bài và sử dụng kết quả bài thi của học sinh. Bởi vì nếu muốn phân hóa học sinh, chúng ta có thể thực hiện ở thang điểm 10 bằng cách chia nhỏ điểm trong đề thi và đáp án chấm thi. Sử dụng thang điểm 10 cũng thuận lợi trong việc xác định điểm xét và công nhận tốt nghiệp.

Theo GD&TĐ