Quảng Ngãi: Không có đường, học sinh mất nửa ngày băng rừng đến trường

(Dân trí) - Trường cách nhà 14 km, thế nhưng học sinh thôn Ba Nhà (xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) phải mất khoảng 5 giờ đi bộ mới tới trường. Đi lại quá khó khăn nên mỗi lần về nhà là nhiều học sinh ở lại cả tuần mới quay lại trường.

Nhà của Phạm Thị Thành (lớp 5, trường Tiểu học & THCS Ba Giang) ở tổ Gò Lút (thôn Ba Nhà, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi). Mỗi tuần, Thành về thăm nhà một lần. Phải mất 5 giờ đi bộ liên tục mới đến nhà, và cũng mất chừng ấy thời gian cho chiều ngược lại.

"Không có đường đi, cháu phải đi theo lối mòn trong rừng. Đi từ sáng đến trưa thì tới. Trời mưa rất sợ vì phải qua suối và nhiều dốc cao lắm", Thành cho biết.

Học sinh các tổ Gò Lút, Vùng Khâm, Gò Xiêng phải mất nửa ngày trời vượt qua 14 km đường mòn để đến trường
Học sinh các tổ Gò Lút, Vùng Khâm, Gò Xiêng phải mất nửa ngày trời vượt qua 14 km đường mòn để đến trường

Các tổ Gò Lút, Vùng Khâm, Gò Xiêng (thôn Ba Nhà) là địa bàn đặc biệt khó khăn của xã Ba Giang. Ba tổ này có hơn 40 học sinh đang theo học tại trường Tiểu học & THCS Ba Giang. Phạm Thị Thành và khoảng 30 học sinh được ở bán trú trong một dãy phòng học cũ, số ít còn lại phải ở nhờ nhà bà con.

Nhà bán trú của những học sinh Gò Lút, Vùng Khâm, Gò Xiêng thật ra là một dãy phòng học đã xuống cấp cách điểm trường chính khoảng 1 km. Dãy nhà ẩm thấp, tối om là nơi ăn ở, sinh hoạt của hơn 30 học sinh từ năm này qua năm khác.

"Ở đây được các thầy cô chăm sóc nhưng xa nhà rất buồn nên dù đường xa, nguy hiểm chúng cháu cũng muốn về nhà. Về thăm nhà, xin ba mẹ thêm ít thức ăn mang xuống", Thành nói.

Theo thầy Đào Văn Thành - Hiệu trưởng trường Tiểu học & THCS Ba Giang, đường đi rất nguy hiểm nên nhà trường rất lo mỗi khi các em về nhà vào cuối tuần. Mùa mưa thường xảy ra sạt lở núi, nước suối chảy xiết buộc học sinh phải ở lại trường hàng tháng trời.

Ngoài những nguy hiểm trên đường, nhà trường còn lo các em về thăm nhà rồi bỏ học. Mỗi lần đi về mất cả ngày nên nhiều em ở nhà cả tuần mới quay trở lại trường.

Đối với những trường hợp này nhà trường phải cử giáo viên băng rừng đến vận động các em quay lại trường. Các thầy cô giáo phải mất từ 2 - 3 ngày cho mỗi chuyến đi như thế.

"Kinh tế gia đình khó khăn, cuộc sống bán trú còn nhiều thiếu thốn nên các em phải nỗ lực rất nhiều để bám trường, bám lớp. Chúng tôi chỉ mong có điều kiện xây dựng khu nhà bán trú khang trang hơn cho các em", thầy Thành chia sẻ.

Cuộc sống bán trú của học sinh xã Ba Giang còn nhiều thiếu thốn
Cuộc sống bán trú của học sinh xã Ba Giang còn nhiều thiếu thốn

Thông tin với PV Dân trí, Chủ tịch UBND xã Ba Giang Trần Thanh Hoài, cho biết, tổ Gò Lút, Vùng Khâm, Gò Xiêng có 55 hộ với 99 nhân khẩu thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Ba khu dân cư này nằm sâu trong khu vực rừng phòng hộ, chưa có đường giao thông kết nối với trung tâm xã. Chính vì vậy, đời sống của người dân vẫn còn theo kiểu tự cung, tự cấp.

"Chúng tôi muốn mở một con đường nhỏ cho các em học sinh cũng như người dân địa phương thuận tiện hơn trong việc đi lại. Tuy nhiên việc này gặp khó khăn vì đây là khu vực bảo vệ rừng phòng hộ. Mặt khác, Ba Giang là xã đặc biệt khó khăn nên chính quyền địa phương không có kinh phí để thực hiện", ông Hoài nói và bày tỏ mong muốn có sự quan tâm đặc biệt của chính quyền cấp trên đối với thôn Ba Nhà.

Quốc Triều