Quảng Ngãi: Học sinh tựu trường dưới… lòng hồ thủy điện

(Dân trí)-Theo kế hoạch, ngày tích nước của thủy điện Đăkrinh là ngày 31/8/2013, gần ngày tích nước, địa phương và thủy điện thông báo dời ngày tích nước trễ 1 tháng vào 30/9/2013. Thủy điện sắp hoạt động trong khi 58 học sinh ở thôn Ra Manh (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) tựu trường vào ngày 12/8 vừa qua.

Thủy điện Đăkrinh chuẩn bị tích nước nhưng còn đó nhiều nỗi lo đến người dân, học sinh địa phương.
Thủy điện Đăkrinh chuẩn bị tích nước nhưng còn đó nhiều nỗi lo đến người dân, học sinh địa phương. 

Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Tây, cho đến ngày 15/8/2013, tổng số dân phải di dời đến 4 khu tái định cư (TĐC) là 195 hộ. Trong đó có 13 hộ nằm ngoài lòng hồ đã vào khu TĐC; 182 hộ đã di dời ra khỏi cao trình ngập nước 410m thuộc khu vực lòng hồ (25 hộ đã xây dựng xong nhà TĐC, 71 hộ đang xây dựng và 86 hộ làm nhà ở tự do).

Các khu tái định cư khang trang nhưng người dân vẫn không mặn mà đến ở.
Các khu tái định cư khang trang nhưng người dân vẫn không "mặn mà" đến ở.

Khởi công vào năm 2007, đến tháng 7/2013, tổng số tiền chi cho công tác bồi thường, TĐC hơn 160 tỷ đồng, diện tích đất đã thu hồi là 390,7ha. Thế nhưng, phương án xây dựng và di chuyển điểm trường ở thôn Ra Manh ra khỏi lòng hồ vẫn chưa có kế hoạch, cho đến khi người dân, ngành giáo dục “kêu cứu”.

Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: “Với điểm trường học của trường Tiểu học Sơn Long, chúng tôi đã chỉ đạo và triển khai xây dựng trường học tạm kiên cố bằng xi măng, đảm bảo các em chuyển lớp lên khỏi lòng hồ vào ngày 5/9 tới nên không ảnh hưởng gì đến ngày tích nước của thủy điện Đăkrinh”.

Đến nơi ở mới trong khu TĐC, mỗi hộ được đền bù và đưa vào khu TĐC theo định mức 400m2 đất ở, 600m2 đất vườn và 1ha đất sản xuất. Đối với hộ gia đình từ 4 nhân khẩu trở xuống, diện tích nhà ở TĐC có 65m2 (trong đó nhà chính 45m2, nhà vệ sinh - nhà bếp chiếm 20m2), còn hộ gia đình từ 5 nhân khẩu trở lên có diện tích nhà ở là 85m2 (nhà chính 65m2, nhà vệ sinh và nhà bếp có 20m2).

Với định mức trên, có 86 hộ dân nằm dưới lòng hồ không đồng ý vào khu TĐC, họ nhận tiền đền bù và tự túc lo chỗ ở nơi khác. Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây lý giải: “Một số hộ từ nơi khác đến nay sinh sống, khi nhận đền bù, họ về lại quê cũ ở chứ không vào TĐC. Mặc khác, nhiều hộ là người Kinh nên họ cũng không muốn sống trong khu TĐC, số hộ nằm sát mép khu vực an toàn trên lòng hồ, họ chấp nhận di chuyển lên trên cao hơn. Cho đến nay, không có hộ dân nào sinh sống trong khu vực lòng hồ cả”.

Việc di dời các hộ dân lên khỏi lòng hồ, nhận sự quan tâm của địa phương và thủy điện Đăkrinh nhưng tính mạng của 58 học sinh bị lãng quên từ năm 2007 đến tháng 8/2013. Khi cha mẹ học sinh đã chuyển đến nơi ở mới, từ năm học 2013-2014, hàng ngày học sinh phải đi từ nơi ở các khu TĐC về điểm trường dưới lòng hồ này dài hơn khoảng 5km.

Điểm trường Tiểu học Sơn Long ở thôn Ra Manh (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi).
Điểm trường Tiểu học Sơn Long ở thôn Ra Manh (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi).

Nếu ngày tích nước đúng theo kế hoạch 31/8 thì 58 học sinh có nguy cơ đối mặt với “tử thần”. Theo lời hứa của huyện Sơn Tây và thủy điện Đăkrinh, trường học tạm hoàn thành trước ngày 5/9, sau đó xây dựng trường học mới khang trang mất khoảng hơn 2 tháng trong khi dự kiến ngày tích nước là 30/9.

Phần đập dâng sắp hoàn thành.
Phần đập dâng sắp hoàn thành.

Hồng Long

Dòng sự kiện: Năm học mới 2013 - 2014