Quảng Ngãi: Học sinh hứng thú với giờ học võ cổ truyền

(Dân trí) - Nhiều điểm trường tại Quảng Ngãi đã đưa bộ môn võ cổ truyền vào giảng dạy tích hợp trong tiết học Giáo dục thể chất. Nội dung học này được học sinh đón nhận một cách thích thú.

Trường Tiểu học Trần Phú (TP. Quảng Ngãi) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đưa bộ môn võ cổ truyền vào giảng dạy tích hợp cho học sinh.

Ngay sau khi Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi có chủ trương đưa võ cổ truyền vào trường học, nhà trường đã cử giáo viên đi tập huấn và triển khai giảng dạy trong năm học 2019 - 2020. Năm đầu triển khai, nhà trường tích hợp dạy võ cổ truyền cho học sinh khối 4, 5 với các bài căn bản công pháp 27 động tác.

Quảng Ngãi: Học sinh hứng thú với giờ học võ cổ truyền - 1
Giờ học võ cổ truyền tại trường Tiểu học Trần Phú (TP. Quảng Ngãi)

Thầy Trần Minh Hiệp - giáo viên bộ môn giáo dục thể chất chia sẻ, học sinh rất hứng thú khi được học võ cổ truyền. Các em tiếp thu các động tác khá nhanh, tự giác luyện tập và tự tin biểu diễn hơn các bài tập thể dục thông thường

"Không chỉ hăng say luyện tập ở trường mà nhiều em còn tự giác luyện tập ở nhà. Điều này cho thấy việc tích hợp võ cổ truyền vào nội dung giáo dục thể chất đạt hiệu quả tốt", thầy Hiệp nhận định.

Tại huyện miền núi Trà Bồng, nhiều điểm trường đã dạy võ cổ truyền cho học sinh trong 2 năm qua. Huyện còn tổ chức các hội thi biểu diễn võ cổ truyền dành cho học sinh Tiểu học và THCS nhằm đẩy mạnh hoạt động luyện tập ở trường.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, bà Đinh Thị Thu Hương cho biết, bộ môn võ cổ truyền đã được đưa vào giảng dạy tại 19/19 trường Tiểu học, THCS của huyện. Nội dung này làm đa dạng, phong phú thêm hoạt động ngoài giờ lên lớp nên học sinh rất hào hứng.

Quảng Ngãi: Học sinh hứng thú với giờ học võ cổ truyền - 2
Học sinh khá hứng thú với việc luyện tập võ cổ truyền.

Theo Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT), bà Trần Thị Kim Nhạn, bộ môn võ cổ truyền được triển khai ở tất cả các trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, học sinh Tiểu học học bài quyền căn bản 27 động tác, học sinh THCS là bài quyền 36 động tác và THPT là bài quyền 45 động tác.

Việc đưa võ cổ truyền vào trường học không chỉ giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, kỹ năng tự vệ mà còn hướng các em sự tự tôn dân tộc và tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt.

Tuy nhiên, việc triển khai dạy võ cổ truyền ở nhiều trường vẫn còn gặp khó khăn. Một số trường thiếu giáo viên bộ môn giáo dục thể chất nên chỉ triển khai được vài lớp. Việc dạy lồng ghép thời gian ngắn vào giờ thể dục nên rất khó để giáo viên triển khai đầy đủ nội dung chương trình.

"Để các trường triển khai đồng bộ hơn cần bố trí đủ số lượng giáo viên dạy bộ môn giáo dục thể chất và giáo trình cụ thể cho các cấp học. Đồng thời tăng cường tổ chức tập huấn dài ngày hơn để giáo viên đủ năng lực dạy chuyên sâu cho học sinh", bà Nhạn nói.

Quốc Triều