Quảng Nam: Không vào được trường công lớp 10, học sinh đi đâu?

(Dân trí) - Hàng chục em học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) không đủ điều kiện vào một trường THPT duy nhất trên địa bàn huyện khiến cho phụ huynh lo lắng về tương lai của con em mình.

Trước đó, vào tháng 5/2017, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Trần Đình Tùng, đã ký quyết định số 1809/QĐ-UBND về phê duyệt Phương án tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm học 2017-2018.

Theo quyết định này, phương thức tuyển sinh năm nay sẽ tuyển 90% số học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào học lớp 10. Điểm xét tuyển gồm điểm kết quả rèn luyện, học tập và điểm cộng thêm. Cách xét tuyển sẽ căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển, tiến hành xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

Ngày 21/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Hữu Tuấn - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nông Sơn cho biết, toàn huyện có 332 em học sinh tốt nghiệp THCS. Theo cách xét tuyển vào lớp 10 của tỉnh, năm nay sẽ tuyển 90% số học sinh tốt nghiệp THCS có điểm từ cao đến thấp.

Như vậy, số lượng học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 là 33 em (tương đương 10% còn lại). Theo ông Tuấn, huyện Nông Sơn chỉ có duy nhất một trường THPT Nông Sơn, không có trường bổ túc, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Tuy nhiên, cách xét tuyển này lại gặp một số ý kiến từ các phụ huynh có con em không thể tiếp tục học lớp 10 ngay tại địa bàn huyện. Theo họ, huyện Nông Sơn không có lớp bổ túc văn hoá, trung tâm giáo dục thường xuyên… nên các em không trúng tuyển vào lớp 10 đồng nghĩa với nghỉ học. Trong khi các em đang tuổi ăn, tuổi học nếu không được đến trường thì quá thiệt thòi.

Trên địa bàn huyện Nông Sơn chỉ có duy nhất một trường THPT nên các em không vào lớp 10 được
Trên địa bàn huyện Nông Sơn chỉ có duy nhất một trường THPT nên các em không vào lớp 10 được

Phụ huynh cho biết, những năm trước đây, học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9, 100% sẽ được vào học lớp 10 tại trường THPT Nông Sơn nhưng năm nay 10% học sinh sẽ không có cơ hội nào để vào trường THPT duy nhất trên địa bàn huyện này.

Chị Nguyễn Thị Vân (SN 1974, trú thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), phụ huynh của em Nguyễn Văn Danh (SN 2002) cho biết, đối với cách xét tuyển này, những huyện có lớp bổ túc văn hoá hay trung tâm giáo dục thường xuyên thì các em trượt lớp 10 có thể vào đó học tiếp. Còn huyện Nông Sơn chỉ có duy nhất một trường cấp ba, nếu không trúng tuyển, con em chúng tôi biết học ở đâu nữa.

Cũng theo chị Vân, sau khi biết không trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT Nông Sơn, con chị rất buồn. Cháu rất muốn đi học tiếp nên giờ nghỉ học rồi cháu không biết làm gì. Huyện Nông Sơn không có trung giáo dục thường xuyên, không có lớp bổ túc văn hóa nên sau khi em Danh không vào lớp 10 đồng nghĩa với nghỉ học. Trong khi đó, nếu cho em đi học nghề, học bổ túc hay các trường tư thục phải xuống các huyện đồng bằng, xa nhà nên gia đình không yên tâm.

Còn ông Lê Trí Thức (SN 1964, trú xã Quế Trung, phụ huynh của em Lê Quang Bảo, SN 2002) cũng đang lo lắng cho tương lai của con trai mình. Ông cho hay, con mình đang ở tuổi ăn, tuổi học, giờ ở nhà không biết làm gì, rất dễ hư hỏng. Gia đình rất muốn đi học nhưng không biết học ở đâu, nếu cho con đi học ở địa phương khác thì xa quá, gia đình không yên tâm, không quản lý được.

Ông Thức đang lo lắng cho tương lai của con trai mình
Ông Thức đang lo lắng cho tương lai của con trai mình

Về hướng giải quyết để các em học sinh không vào được lớp 10, ông Trần Hữu Tuấn - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nông Sơn cho biết, địa phương cũng đã “hướng dẫn phân luồng” cho học sinh đi học bổ túc, đi học nghề ở các địa phương lân cận.

“Vừa rồi cũng thấy trung tâm dạy nghề lên làm việc để chiêu sinh nghề. Trước đây các huyện miền núi được tuyển 100% học sinh thì không có chuyện gì xảy ra, còn năm nay theo chủ trương chung của tỉnh, các em không vào hết thì các em sẽ đi một “phân luồng” khác”, ông Tuấn nói.

Còn Bí thư huyện Nông Sơn - ông Thái Bình cũng chia sẻ, việc “phân luồng” thì phụ huynh, học sinh lo lắng cũng là chính đáng. “Chính quyền và cấp ủy Đảng không thể không lo cho các em được nên cơ quan chức năng của huyện đã liên hệ với một số trường nghề để các em vừa học nghề vừa học văn hóa”, ông Thái Bình nói.

Ngày 21/8, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS là 20.861 học sinh. Số học sinh học lớp 10 năm học 2017 - 2018 là 17.490 học sinh (Trường Dân tộc nội trú 167, THPT chuyên 531, THPT đại trà 16.792 học sinh). Nếu tuyển sinh đủ chỉ tiêu 90% thì số lượng học sinh năm học này là 18.775 học sinh, như vậy sẽ có 1.285 học sinh trong chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không tiếp tục học THPT.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam, việc áp dụng xét tuyển và phân luồng học sinh sau THCS tại Quảng Nam được cụ thể hóa từ Chỉ thị 10-CT/TW và Nghị quyết 11-NQ/TU Quảng Nam. Theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phân luồng học sinh sau THCS, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tại tỉnh Quảng Nam có ít nhất 20% học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Về số học sinh không vào được lớp 10 trường công một số địa bàn miền núi, trung du không có trung tâm giáo dục thường xuyên, bổ túc văn hóa… thì các em sẽ về đâu. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, sẽ hướng các em vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề…

Công Bính