Quảng Nam chi hơn 110 tỉ đồng để hỗ trợ sữa học đường cho học sinh miền núi

(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX diễn ra từ ngày 16-18/12, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về đề án sữa học đường cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao của tỉnh.

Theo đề án “sữa học đường” đối với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, do địa hình cách trở, giao thông không thuận lợi nên kinh tế xã hội ở 6 huyện miền núi cao của tỉnh tuy có những bước phát triển nhưng vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định.

Quảng Nam chi hơn 110 tỉ đồng để hỗ trợ sữa học đường cho học sinh miền núi - 1

Học sinh 6 huyện miền núi cao tỉnh Quảng Nam sẽ được hỗ trợ “sữa học đường” từ năm 2020-2022. (Ảnh: Học sinh mầm non của một điểm trường ở huyện Nam Trà My đang ăn trưa)

Tình trạng suy dinh dưỡng đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học vẫn còn xảy ra và có sự chênh lệch khá cao so với trẻ em ở đồng bằng. Đối với trẻ mầm non và tiểu học, ngoài những bữa ăn chính, trẻ cần có các bữa ăn phụ để cung cấp bổ sung chất dinh dưỡng và năng lượng, giúp trẻ tăng trưởng, cải thiện chiều cao… Do đó, việc xây dựng đề án “Chương trình Sữa học đường” cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao tỉnh Quảng Nam là hết sức cần thiết.

Tính đến tháng 10/2019, trên địa bàn 6 huyện miền núi cao của tỉnh có 56 trường mầm non, mẫu giáo công lập (không có trường tư thục); trong đó có 11 trường mầm non, 45 trường mẫu giáo và 523 nhóm lớp với gần 22.500 cháu. Đối với trường tiểu học có 69 trường với hơn 19.800 cháu tại 6 huyện miền núi cao gồm các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn.

Mục tiêu của đề án là 100% các cháu tại cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học công lập và ngoài công lập tại 6 huyện miền núi cao của tỉnh được uống sữa 5 lần/tuần và thời gian thực hiện 9 tháng (bằng 35 tuần thực học tại trường) trong năm học.

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học trên địa bàn của 6 huyện này, góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 - 2 cm so với năm 2010.

Với đề án này, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chi 100% kinh phí từ ngân sách với hơn 110 tỉ đồng để thực hiện. Thời gian áp dụng từ tháng 1/2020 đến hết tháng 5/2022.

Công Bính