Quảng Bình: Thú vị với mô hình biển đảo trong sân trường

(Dân trí) - Những mô hình bản đồ Việt Nam với Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được xây dựng trên sân trường của nhiều trường học tại Quảng Bình đã đem đến cho các em học sinh những tiết học bổ ích, giúp các em nắm vững hơn những kiến thức về chủ quyền biển đảo và càng làm giàu thêm tình yêu, niềm tự hào đối với biển đảo quê hương.

Mô hình bản đồ Việt Nam với Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa sân trường

Để các em học sinh tìm hiểu về đất nước bằng hình thức trực quan, đồng thời phục vụ công tác giảng dạy các môn học như Lịch sử, Địa lý, giáo dục cho các em hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo và tình yêu quê hương, đất nước, nhiều trường học ở Quảng Bình đã xây dựng mô hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong khuôn viên trường.

Mô hình bản đồ Việt Nam với Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Trường tiểu học Mỹ Trạch
Mô hình bản đồ Việt Nam với Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Trường tiểu học Mỹ Trạch

Trường tiểu học Mỹ Trạch (thuộc xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch) là ngôi trường đầu tiên tại Quảng Bình xây dựng mô hình về bản đồ Việt Nam. Được xây dựng giữa khuôn viên trường, mô hình bản đồ đất nước tạo nên một tổng thể toàn vẹn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với hai cột mốc chủ quyền Quần đảoTrường Sa và Hoàng Sa, mỗi mô hình cột mốc được cắm 2 lá cờ Tổ quốc tự hào tung bay trong gió.

Trao đổi với Dân trí, thầy giáo Cao Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Trạch cho biết, mô hình này được xây dựng từ tháng 10/2016, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục đổ nền, đấu nối hệ thống ống nước để khi bơm nước vào để đất liền, vùng biển và hai quần đảo sẽ thể hiện được rõ ràng hơn.

Một tiết học thực tế tại mô hình biển đảo được xây dựng trong khuôn viên trường
Một tiết học thực tế tại mô hình biển đảo được xây dựng trong khuôn viên trường

“Khi chúng tôi mới làm mô hình này, các em học sinh cũng khá bỡ ngỡ, nhưng các em dần tỏ ra rất thích thú và tiếp thu nhanh hơn nhiều, bên cạnh đó, những tiết học ngoài trời cũng khiến các em thích thú hơn nhiều. Chúng tôi xây dựng mô hình với đầy đủ cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa với mong muốn các học sinh có thêm kiến thức và nắm rõ về chủ quyền hai quần đảo này”, thầy Tuấn cho biết.

Mô hình bản đồ Việt Nam với đầy đủ biển đảo quê hương tại Trường tiểu học Mỹ Trạch được xây dựng nhờ công sức và sự đóng góp của các giáo viên trong trường với kinh phí trên 20 triệu đồng, mô hình do cô giáo Nguyễn Thị Hà Giang, giáo viên Mỹ thuật của trường thiết kế.

“Khi học các môn Lịch Sử, Địa Lý thực tế thông qua mô hình này em thấy rất thích, em dễ dàng hình dung hơn về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và nhận thấy việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước là rất quan trọng và ý nghĩa”, em Nguyễn Thị Thảo Ly, học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Mỹ Trạch cho biết.

Mô hình với đầy đủ cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa sẽ giúp các em học sinh có thêm kiến thức về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa
Mô hình với đầy đủ cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa sẽ giúp các em học sinh có thêm kiến thức về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa

Cũng như Trường tiểu học Mỹ Trạch, Trường THCS Quách Xuân Kỳ (tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) cũng đang dần hoàn thiện mô bản đồ Việt Nam với đầy đủ biển, đảo quê hương. Mô hình này được xây dựng từ 10/2016, thông qua nguồn vốn xã hội hóa và sự đóng góp của phụ huynh học sinh, với kinh phí hơn 90 triệu đồng.

Theo thầy Phan Đình Minh, Hiệu trưởng nhà trường, mô hình được sử dụng như một công cụ hỗ trợ cho công tác dạy học các bộ môn khoa học xã hội, như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

“Ngoài kiến thức lý thuyết trong sách giáo khoa, mô hình biển đảo sẽ giúp các em học sinh hình dung một cách cụ thể, qua đó dễ dàng nắm bắt được kiến thức. Đồng thời giáo dục truyền thống đất nước, nhận thức về chủ quyền biển đảo cho học sinh là rất quan trọng không chỉ hôm nay mà cả mãi về sau nữa, để các em có trách nhiệm cao hơn về tình yêu Tổ quốc”, thầy Minh nói.

Trường THCS Quách Xuân Kỳ, tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, cũng đang dần hoàn thiện mô bản đồ Việt Nam với đầy đủ biển, đảo quê hương
Trường THCS Quách Xuân Kỳ, tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, cũng đang dần hoàn thiện mô bản đồ Việt Nam với đầy đủ biển, đảo quê hương

Việc tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo cho các thế hệ học sinh là việc làm rất quan trọng. Những năm gần đây, nhiều trường học trên cả nước đã đưa việc tuyên truyền biển đảo vào chương trình học tập bằng các mô hình thực tế. Việc làm này thực sự đã mang đến nhiều hiệu quả trong công tác giảng dạy, giúp các em có nhiều trải nghiệm qua mô hình biển, đảo được xây dựng ngay giữa sân trường.

Tiến Thành