Quảng Bình: Nghiêm cấm dạy thêm và giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học

(Dân trí) - Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã yêu cầu các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc các quy định mà ngành giáo dục đã đề ra. Trong đó đặc biệt không được tổ chức dạy thêm cũng như giao bài tập về nhà cho học sinh đang học 2 buổi/ngày.

Để thực hiện một cách hiệu quả nhiệm vụ năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT Quảng Bình đã yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn khắc phục triệt để những tiêu cực, hạn chế. Tiến hành tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh.

Tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh có hiệu quả, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh và xã hội. Đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học để đạt hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt thông tư của Bộ GD-ĐT để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng đề nghị các trường tiểu học trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính. Tăng cường kiểm tra công tác thu đầu năm học nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học. Tuyệt đối không được bắt học mua thêm các loại sách, vở bài tập, vở ôn luyện, vở thực hành khác ngoài quy định.

Đối với các trường dạy học 2 buổi/ngày, cần chủ động xây dựng kế hoạch dạy để bảo đảm học sinh hoàn thành nội dung học tập tại lớp. Nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh. Cần tổ chức cho các em tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa… để tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống.


Ở những vùng khó khăn, dân tộc thiểu số cần tăng cường dạy Tiếng Việt bằng nhiều hình thức, đa dạng và phong phú để đạt hiệu quả tốt

Ở những vùng khó khăn, dân tộc thiểu số cần tăng cường dạy Tiếng Việt bằng nhiều hình thức, đa dạng và phong phú để đạt hiệu quả tốt

Các trường cũng cần thực hiện nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1, nghiêm cấm dạy thêm, học thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày. Thực hiện bàn giao chất lượng giáo dục, không để xảy ra tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” cũng như bỏ học.

Ở những vùng khó khăn, dân tộc thiểu số cần tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh có nhiều cơ hội giao tiếp bằng Tiếng Việt. Tăng cường dạy Tiếng Việt bằng nhiều hình thức, đa dạng và phong phú để đạt kết quả tốt nhất.

Tiến Thành