Phụ nữ Ê Đê tuổi bốn mươi đi học chữ

Muốn không còn phải điểm chỉ khi đi làm giấy tờ, vay vốn, ký nhận tiền quà, nhiều phụ nữ dân tộc Ê Đê trên dưới 40 tuổi ở buôn làng vùng sâu tỉnh Đắk Lắk sau giờ lao động đều tất bật chuẩn bị bút, vở đến lớp học chữ.


Thầy cô hướng dẫn chị em viết chữ.

Thầy cô hướng dẫn chị em viết chữ.

Đến buôn Krang và buôn Kmăl, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana vào một chiều thứ 6, chúng tôi thấy sau cánh cửa nhà văn hoá buôn, những phụ nữ khuôn mặt rám nắng đang bập bẹ tập đánh vần từng chữ, say sưa đọc bảng chữ cái.

Chị H’Hing (42 tuổi) hí hoáy tập viết tên mình trên trang giấy trắng, cười tươi: “Sau những buổi làm việc vất vả trên nương rẫy, vào mỗi chiều thứ 6, tối thứ 7 và chủ nhật chị em trong buôn đều ôm sách vở lên nhà văn hoá cộng đồng để học con chữ. Có những chị còn địu cả con đi học. Bây giờ tôi đã biết ký tên mình, không còn phải điểm chỉ nữa”.

Anh Đức Hiệp, Phó Bí thư huyện Đoàn, Chủ tịch Ủy ban hội Liên hiệp Thanh niên huyện cho biết: “Buôn Krang và buôn Kmăl của xã Dur Kmăl có đến 98% đồng bào dân tộc Ê Đê, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả. Với mong muốn giúp chị em Êđê được học chữ, huyện Đoàn và Hội phụ nữ huyện đã phối hợp tổ chức lớp học xóa mù chữ tại 2 buôn. Khai giảng ngày 27/5/2016, nhưng trước đó 2 tháng chúng tôi phải đi vận động chị em, huy động giáo viên trên địa bàn huyện về dạy”.

Đội ngũ đứng lớp từ 6- 10 giáo viên là những thanh niên tình nguyện, giáo viên đang dạy các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và cả những người ngoài ngành sư phạm. Dù không được hỗ trợ gì nhưng các thầy cô giáo vẫn nhiệt huyết, tận tình đến lớp uốn nắn từng nét chữ cho học viên.

Thầy Ngô Trí Hiệp, giáo viên Trường THCS Dur Kmăl chia sẻ: Những ngày đầu, việc giảng dạy rất khó khăn vì có nhiều chị em không biết tiếng phổ thông. Bây giờ học viên đã tiến bộ hơn, nên ngoài dạy chữ, các thầy cô còn lồng ghép kiến thức pháp luật, an toàn giao thông, sức khỏe sinh sản vào bài học, giúp chị em có thêm các kiến thức cơ bản trong cuộc sống. Nhiều hôm đi dạy buổi tối trời mưa to, đường lầy lội, trượt ngã liên tục nhưng thấy các chị ham học hỏi, chúng tôi lại cố gắng quên mệt.

Những ngày đầu, mỗi buôn chỉ có từ 10 - 15 học viên, sau đó số lượng người đến học tăng lên, hiện mỗi lớp sĩ số 30 - 40 học viên. Chị H’Rim Ênuôl, chi hội trưởng chi hội phụ nữ buôn Kmăl tâm sự: “Chị em đồng bào thường e ngại khi phải tiếp xúc với người lạ, nên việc vận động các chị đến lớp rất vất vả. Nhờ thầy cô quá tận tình, chị em đã chịu khó đến lớp. Có những chị đi làm rẫy về, chưa kịp ăn uống gì cũng vội đến lớp vì sợ trễ giờ học”.

Lớp học của chị H’Hồng Kdoh, chi hội trưởng phụ nữ buôn Phơng, xã Cư DliêMnông, huyện Cư Mgar, mở từ đầu năm 2015 đến nay đã tạo điều kiện cho phụ nữ lớn tuổi trong buôn đến lớp học chữ. Hiện đa số học viên đã đọc thông, viết thạo. Chị H’Hồng chia sẻ: “Chứng kiến cảnh bà con trong buôn mỗi lần lên xã nhận trợ cấp, hay làm giấy tờ đều phải điểm chỉ vì không biết chữ, tôi thấy trăn trở. Họp phụ nữ, nhiều chị mong muốn có người mở lớp dạy chữ để học. Chúng tôi mượn được một phòng của trường tiểu học Lê Quý Đôn mở lớp vào các buổi tối thứ 6, 7 và chủ nhật để dạy chữ cho các chị em”.

Chị H’Thung 45 tuổi cảm động nói : “Chị Hồng rất tận tâm, dạy chúng tôi học cách đánh vần, ghép từ. Cứ đến cuối tuần là chị em trong buôn lại tranh thủ đi làm về thật sớm, nhanh tay lo cơm nước cho gia đình để kịp đến lớp học chữ. Bây giờ nhiều chị em biết chữ nên đã tự tin tham gia các lớp tập huấn, dự hội thảo mô hình phát triển kinh tế”.

Theo Nguyễn Thảo

Tiền Phong